Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011
TPHCM sắp có thêm hàng loạt cao ốc chọc trời ( theo Dân trí )
Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011
Tản mạn đầu xuân
Ngày tám tháng giêng âm lịch.
Ngày này các chùa thường làm lễ cúng sao giải hạn, mình cũng thành tâm đến chùa nhờ các sư cúng giúp. Chùa Kim Liên gần nhà. Hôm nay là ngày lễ lớn nên rất đông phật tử đến lễ phật. Khi về ,đang loay hoay dắt xe thì nghe tiếng nói: " ra hả cưng?" hóa ra là anh trông xe muốn dắt xe giúp mình vì chỗ để xe hơi chật. Có vài anh trông xe đều mặc áo dân phòng ( chắc các ảnh đến chùa làm công quả và ổn định trật tư chung giúp chùa - có thể theo chỉ đạo của Công an phường - thế là tốt rồi ). Bãi giữ xe không lấy tiền và cũng không có thùng tiền "tùy hỉ". Nếu có giữ xe lấy tiền hay thùng "tùy hỉ" thì mình cũng rất hoan hỉ bỏ tiền vô. Mọi người cứ để xe đó rồi khóa cổ xe lại, các anh ấy trông giúp và sắp xếp xe cho gọn gàng. Khi lấy xe ra các chị em chân yếu tay mềm còn được các anh dắt giúp. Mình chẳng phải bồ ảnh nhưng nghe tiếng "cưng" cũng rất êm tai . Ra đến cửa chùa gặp 2 hàng người ăn xin ngồi ngay ngắn chìa nón chờ mọi người bố thí, tuyệt đối không đeo bám khách và không lèo nhèo "lạy ông đi qua lạy bà đi lại....". Có một chị cho tiền, vì chị không có tiền lẻ nên khi rút tờ 20 ngàn chỉ đếm một loạt 10 người ngồi kế nhau và thông báo "từ chú này đến ngoại" để họ tự chia nhau. Chú này là người đàn ông nhỏ tuổi hơn chị và bị tật nguyền, còn ngoại là bà cụ già bằng bà ngoại chị. Chị ấy cho người ăn xin tiền nhưng vẫn tôn trọng gọi họ bằng "chú" và bằng "ngoại".
Lại nhớ hôm 27 Tết mình đi mua bưởi có cành lá về chưng. Có một dì lớn tuổi trông cũng lam lũ, dì mua một lúc 30 quả bưởi đẹp, dì cẩn thận nâng niu từng trái bưởi, tự tay xếp vào cần xé, trái nọ đè lên trái kia mà không bị rụng cánh lá rồi thuê xe ôm chở đi. Mình hỏi nhà dì có bao nhiêu ban mà dì mua nhiều thế. Dì bảo dì mua mang vô chùa cúng Phật. Bưởi đẹp ngày Tết không hề rẻ và đáng quý nhất là thái độ của dì với Phật ( niềm tin tín ngưỡng ).
28 tết, mình và chồng đi chùa Lá ở nhà Bè, mang cho bọn trẻ mồ côi ở chùa đó ít xà bông giặt và xà bông tắm. Chùa vẫn thế, ngổn ngang gạch vữa, xây vài năm mà chưa xong vì không có kinh phí nhưng đồ mọi người mang đến từ thiện ngồn ngộn, các sư chưa có thời gian sắp xếp. Nhiều nhất là gạo, dầu ăn , mùng mền chiếu gối và sách vở ( mới tinh ) vì chùa Lá nuôi các em nhỏ mồ côi. Chùa Lá tuy nghèo nhưng chùa thường xuyên đi làm từ thiện cho người nghèo ở vùng sâu vùng xa như Bình Phước, Lâm Đồng ( chắc theo tinh thần lá rách ít đùm lá rách nhiều ).
Nhắc đến chùa chiền, mình nhớ có anh làm hãng tàu kể một kỷ niệm không vui lắm khi vợ chồng ảnh đi tham quan chùa Thầy. Có một chị trung niên cứ đi theo vợ chồng ảnh kể về di tích này kia ở chùa Thầy, hai vợ chồng ảnh tưởng chị này cũng đang đi vãn cảnh chùa nên nói chuyện qua lại với chị đó. Sau đó chị kia đòi ảnh 100 ngàn tiền công cho nửa tiếng làm "hướng dẫn viên du lịch" . 100 ngàn, có thể nhà chị đó được một buổi chợ, còn với anh này thực sự không là gì vì nhà ảnh đã từng đi du lịch châu Âu hay nghỉ dưỡng ở những resort vài trăm đô / đêm là thường nhưng ảnh thấy khó chịu vì cảm giác bị lừa gạt. Một ấn tượng xấu cho cả chuyến đi vãn cảnh danh lam cổ tự, ấn tượng xấu cả về con người, địa danh nơi đó ... chỉ vì 100 ngàn. Anh ấy kể được với tôi thì ảnh cũng có thể kể với nhiều người khác nữa.