Thứ Ba, 31 tháng 3, 2009

Quê Hương (Trịnh Công Sơn)

Một lần vô tình bật TV thấy chương trình “Văn Hóa - Sự Kiên - Nhân Vật”, mình thích chương trình này. Kết thúc chương trình đó ca sỹ Hiền Thục hát bài Quê Hương - Trịnh Công Sơn hay quá. Hôm sau search trên google định nghe nhạc online nhưng bài này chưa có trên mạng, chỉ kiếm được bài viết này của đạo diễn Hải Ninh


 


Một tình khúc ít người biết đến của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn


Cho đến bây giờ có lẽ chưa mấy ai biết đến một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như một nàng thơ còn ngủ yên bên “bờ biển bao la” của quê hương. Đó là bài hát "Quê hương" ông viết cho bộ phim "Bãi biển đời người" cách đây hơn 30 năm.



Người yêu nhạc Trịnh ai cũng biết anh là tác giả của những tình khúc, khắc khoải, thầm lặng với những thân phận tình yêu “để lại trong cõi thiên thai hình dáng nụ cười”. Nhưng tôi lại đến với anh trong nỗi băn khoăn của con người về cội nguồn của mình với những ước vọng luôn gắn bó máu thịt với cội rễ dân tộc mình trong bộ phim nghệ thuật. Khi đi tìm bản nhạc cho phim: “Bãi biển đời người”, tôi đã tìm đến anh. Trong phim cũng có một “đời người”, một thân phận tình yêu trên một bãi biển, như là một không gian ước lệ về quê hương của Kiều Trinh - nhân vật nữ chính của tác phẩm.


Chúng tôi hẹn gặp nhau ở một quán cà phê bên hồ Con Rùa ở trung tâm TP.HCM. Chiều hôm ấy trời mưa lâm râm, tôi và họa sĩ Đào Đức đang đứng lóng ngóng nhìn về các ngả đường để tìm hình dáng người nhạc sĩ “bé nhỏ” nhưng lại mang một tâm hồn lớn trong những bài ca đầy tính nhân bản. Tôi tìm đến anh, còn vì lẽ âm nhạc của anh có sự đồng cảm bạn bè, anh thèm tình người hơn cõi vắng lặng, dám đi sâu vào nỗi đau nhân thế để làm vợi đi những nỗi đau. Những nỗi đau trong âm nhạc của anh đầy ắp tình yêu thương, mà sức nặng của nó là tính nhân văn cao cả.


Đang tản mạn với những ý nghĩ mông lung tìm hiểu người bạn đường mà mình đang cần đến, cũng có chút bâng khuâng như “mối tình đầu” của một tình yêu nghệ thuật của hai người nghệ sĩ còn xa lạ ở hai đầu đất nước thì tôi có linh cảm như có một ai đó đang nhìn mình ngay sát cạnh. “Ôi! Anh Sơn!” - Thay cho lời chào trang nhã thì tôi bật lên hồn nhiên như người thân lâu ngày gặp lại.


Trong quán cà phê nhỏ lúc này vắng hẳn, chỉ còn ba chúng tôi, và một cặp tình nhân ngồi nép nhau ở góc xa. Ngoài trời vẫn mưa rả rích. Buổi chiều buồn trên đường phố vắng như làm nền cho tiếng của tôi kể về một câu chuyện tình, trong đó có thân phận một tình yêu của Kiều Trinh, và số phận một đất nước sau chiến tranh có những người bỏ quê hương ra đi. Qua câu chuyện, một vấn đề được đặt ra cho cả anh và tôi là đi tìm những bí ẩn trong tâm hồn con người Việt Nam, điều gì đó có thể gây xúc động sâu sắc đối với con người để níu giữ họ không rời bỏ Tổ quốc mình.


Tôi biết trong âm nhạc của anh bên những bản tình khúc còn mang một nỗi buồn “không quê hương”, từng “phiêu lãng quên mình lãng du” bên chính đôi bờ sông Hương quê anh, đơn côi trên chiếc ghế bố, nằm co trên sàn ximăng giá lạnh trong căn nhà hoang sau Đại học Văn khoa Huế trong những ngày trốn lính; phiêu bạt trên những con đường đất đỏ cao nguyên… rồi trôi dạt về thành phố. Những ngày lưu lạc lang thang trên các nẻo đường đời ấy có lúc người nhạc sĩ tha phương phải dựa vào “trái tim cho ta nơi về nương náu”. Tôi muốn tìm nỗi đau nhân vật của tôi trong sự đồng cảm, cho đến lúc anh Sơn bật đèn lên những cảm nghĩ của mình bằng lời: “Chỉ có quê hương mới có thể níu giữ con người Việt Nam không ra đi mà thôi…”.


Hơn một tháng sau tôi được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho nghe môtíp nhạc của bộ phim, và bài hát “Quê hương” là một phần của hồn nhạc:


Quê hương trẻ mãi những tâm hồn thiêng liêng
Em đi qua đó không bao giờ buồn phiền
Xanh xanh cây lá biển hát chiều mưa.
Quê hương nằm thức bên bờ biển bao la
Sau cơn chinh chiến núi non vẫn mượt mà
Bay đi trong mưa nắng những câu chuyện thần tiên.


Lời ca như một bài thơ. Phần đầu của bài hát nhạc sĩ đã khái quát được toàn cảnh đất nước sau chiến tranh, và tình yêu quê hương dạt dào như “biển hát chiều mưa”. Sự thay đổi của đất nước, con người đã trở thành tiếng thơ trong anh, và cô đúc lại thành tiếng nói tâm hồn của người nhạc sĩ. Anh đã đi từ thơ đến nhạc:


Từ ngàn xưa lúa reo trên đồng,
Người ta sống hát trong nhân gian,
Tình nhẹ như cánh chim cò trắng,
Chờ chiều vang đi những bao ngàn năm,
Tìm về trăng cuối nguồn, trái tim bốn mùa vẫn dịu dàng ngân.


Khi bài hát vang lên trong gian phòng nhỏ ấm cúng cả anh thì tâm hồn người nghe không còn bị giam hãm trong bốn bức tường, mà không gian như được mở rộng, thời gian như được kéo dài đến vô tận “từ ngàn xưa”.


Điều đáng nói ở đây, từ một nhạc sĩ với những bản tình khúc buồn, những hình ảnh cô gái đi qua đời, và cuộc đời như một đóa hoa vô thường, thì trong bài ca “Quê hương” ta như phát hiện ra một Trịnh Công Sơn vẫn còn ẩn giấu một niềm lạc quan rộng lớn đối với cuộc sống và con người, vẫn thấy cuộc đời thay lá, thay hoa và có một cái nhìn vượt thời gian với những ước mơ của người nghệ sĩ. Vì hình tượng của thi ca bao giờ cũng bắt nguồn từ cuộc sống, từ tình yêu và hy vọng, và muốn truyền đạt một ý tưởng nhân văn nào đó của tác giả đến với người cảm thụ. Đấy là sức mạnh của âm nhạc trong bộ phim để níu giữ những người con không xa rời Tổ quốc của mình. Đây cũng là chủ đề của tác phẩm “Bãi biển đời người”.


Khi dàn dựng và tạo hình, để cho hình ảnh và âm nhạc thống nhất thành một hình tượng nghệ thuật, đoàn làm phim gồm cả trăm người cùng với máy móc, xe cộ, phương tiện, lều bạt cồng kềnh “hành quân” đến Đại Lãnh - bãi biển đẹp nhất của Khánh Hòa từ hôm trước, dựng lều trại dưới những hàng dương thơ mộng như tranh đồng quê của danh họa Nga Lêvitan. Đêm ấy cả đoàn phim không mấy người ngủ yên vì ba giờ sáng đã phải dậy chuẩn bị hiện trường để sớm tinh mơ đón cảnh mặt trời mọc trong buổi rạng đông của một đất nước bao năm chìm trong khói lửa chiến tranh, giờ đây đang mở ra một ngày mới. Và con người Việt Nam lại được tự do cất tiếng hát đã “vang đi bao ngàn năm” của dân tộc mình.


Bao nhiêu mưa gió bay trong lòng quê hương,
Mang qua thôn xóm những câu chuyện bình thường,
Cho em yêu mãi nhé tâm hồn cỏ non…


Thời gian đã trôi qua hơn ba mươi năm như một khoảng trống đối với một tác phẩm còn “ngủ yên trong rừng”. Làm thế nào để đưa nó đến với cộng đồng? Đấy là nỗi bức xúc của người đã từng hợp tác với anh.


Đối với tài năng lớn như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì một nốt nhạc của anh cũng trở thành tài sản, huống chi đây là một tác phẩm có giá trị. Tôi xin trả lại vị trí xứng đáng của nó cho đời sống âm nhạc. Và để tác phẩm trở về với mái nhà ấm cúng của gia đình họ Trịnh, tôi có vài mong muốn - nếu được một nhà hảo tâm, một người hay một tổ chức nào yêu mến âm nhạc Trịnh Công Sơn - hãy tài trợ một đêm diễn giới thiệu một cách trân trọng bài hát “Quê hương” của anh. Điều may mắn là người đồng tác giả với anh Sơn là nhạc sĩ Thanh Tùng. Tôi rất vui sướng khi thấy nhạc sĩ Thanh Tùng là người đứng ra tổ chức và chỉ huy đêm diễn.


Đạo diễn Hải Ninh - (CAND)

theo vnmedia.vn
20/03/2006

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2009

bạn Bông

Tình hình là bạn Bông 16 tháng mà đã có thâm niên 6 tháng đi nhà trẻ

. Khi bạn được 10 tháng thì bố mẹ quyết định cho bạn đi nhà trẻ tư. Bạn thiệt thòi hơn chị Thỏ, ngày xưa chị Thỏ được bà ngoại trông đến 1 tuổi rưỡi rồi đi trường mầm non luôn.



Vì trường mẫu giáo công lập và bán công bắt đầu nhận cháu phải đủ 18 tháng nên Bông phải đi nhóm trẻ gia đình. Nhà trẻ này ngày xưa mẹ cũng đã từng gửi chị Thỏ mỗi khi trường mẫu giáo chính nghỉ hè nên mẹ rất yên tâm. Trước khi nhận trông Bông, bà Năm (người giữ trẻ) cũng test Bông qua điện thoại – tất nhiên là mẹ trả lời rồi - rằng: “bé mấy tháng, bao nhiêu kg, ăn có dễ không, ngủ có dễ không, có hay khóc nhè không … vv…”. Bà Năm đúng là rất có nghề, Bông đi được 2 tháng về đã biết tự phục vụ - là cầm bình sữa tự bú, không cần người khác cầm giùm

. Khi thấy mẹ pha sữa là Bông đã đi vô phòng ngủ lấy 1 cái gối yêu thích của mình để trước tivi , miệng “mâm mâm” liên hồi, mẹ đưa cho bình sữa là nằm lăn ra gối đầu lên gối, vừa nằm vừa nói "ềnh" rất là khoan khoái. Bông ta bắt đầu công việc nún nún mút mút. Nếu đói thì mút cật lực còn không thì vừa thưởng thức sữa, chân vừa nhịp nhịp, mắt láo liên xem TV hay theo dõi mọi người. Thấy có vụ gì vui vui là stop vụ bú bình lại, nhỏm ngay dậy. Thế nào bình sữa cũng lăn ra nền nhà, thế nào Bông cũng dựng bình sữa ngay ngắn lại rồi mới đi chơi tiếp. Nếu sữa có bắn ra nhà Bông ta sẽ vớ ngay cái khăn nào gần đó (bất kể là cái gì miễn là trông có chất liệu vải) lau lau chỗ sữa vừa bắn ra, nếu không có món gì khả dĩ Bông sẽ lấy tay mình lau nền nhà
. Món này chắc chắn học của bà ngoại.



Bông biết nói khá sớm (khoảng 10 tháng là đã kêu “bà ơi” loạn xị - khá sõi)

. Nhưng đến bây giờ 16 tháng rồi vốn từ cũng chưa tiến triển được là bao. Chỉ nói “bà ơi, mẹ ơi, Bi ơi, mâm mâm, đi ra - từ này hay được dùng vì trên nhà bà ngoại có con mèo nhỏ thấy Bông lên cứ xán lại cọ cọ vào người Bông, bà ngoại đuổi mèo “đi ra” thế là Bông học luôn). Rồi biết “bye bye” - từ này có vẻ dễ học hầu như em bé nào cũng biết nói. Thỉnh thoảng gọi Thỏ “chị ơi”. Và nếu có ai hỏi “Bông ăn cơm có ngon không?” Bông rất hào hứng trả lời “ngoong”. Bông yêu bố lắm, quấn bố hơn mẹ nhưng vẫn chưa biết gọi “bố ơi”. Bố Thắng cứ ấm ức mãi. Hiii.



Nhà bà năm theo đạo thiên chúa, có hình chúa Giesu, Bông chỉ vào hình Chúa Giesu và nói : “ông già, ông già”

. Cái này thì quả thật không biết nàng ta hóng hớt từ đâu vì nhà mình không có hình Chúa, mà bà Năm chắc chắn không dạy như vậy.



Có một hôm Bông lười ăn cháo, bà Năm nói “con ăn nhanh đi không con mèo ra ăn hết đấy”. Bà Năm lấy tay che miệng mình kêu: “meo meo”

, rồi hỏi Bông cốt để Bông vui chuyện mà nuốt cháo: “con mèo đâu Bông, Bông kiếm cho bà con mèo đi”. Bông vẫn không nuốt cháo, mủm mỉm cười lấy tay chỉ vào miệng bà Năm, ý là bà năm kêu meo meo. Huuu.



Trẻ con có cách cảm nhận về thời gian rất riêng. Từ rất nhỏ khi phải đi nhà trẻ chúng đã biết ngóng chờ bố mẹ đến rước về. Hôm nào bận việc phải rước Bông hơi trễ là Bông trông ngóng. Có một hôm các anh chị về hết rồi mà mẹ vẫn chưa đón - hôm đó mẹ bị kẹt xe, Bông tự lôi, kéo ba lô quần áo của mình ra giữa sân nhà bà Năm ngó ra cổng chờ mẹ. Mẹ nghe bà kể lại mà cứ thương em mãi

. Rồi Bông có tài phân biệt tiếng xe của mẹ. Mẹ đi xe đến cửa nhà bà, bao giờ mẹ cũng dừng xe tắt máy rồi mới gọi “bà ơi”, hoặc “Bông ơi”. Nhưng trước đó thế nào Bông cũng đã nhìn bà và nói : “mẻ, mẹ” - ý là mẹ đến rồi bà dắt em ra với mẹ.



Bông yêu của mẹ

, khi mẹ có bầu con hình như mẹ quá kỳ vọng con sẽ là 1 bé trai nên bây giờ con quậy lắm (cho đáng đời mẹ, nhỉ?
)


13 tháng con đã biết giẫm lên các đồ vật khác để mình cao hơn, với tay lấy món đồ mà mình thích - bất kể đó là cái gì, khi thì là lon sữa, khi thì là cái nồi úp xuống nền nhà. Nhà mình nhỏ nên giữa bếp và phòng khách chỉ ngăn ước lệ bằng cái quầy bar. Góc bếp của mẹ cũng là nơi con yêu thích bày trò nghịch phá. Con lấy cái thớt thật của mẹ và con dao nhựa đồ chơi của con rồi cũng thái thái, chặt chặt . Bây giờ con đã biết đẩy ghế đẩu (cao hơn cái lon sữa vớ vỉn) khắp nhà, trèo lên mở tủ . Từ nền nhà con leo phắt lên ghế ăn, từ ghế ăn con leo phắt lên bàn ăn và đi đi lại lại trên đó

. Có một hôm mẹ thấy con đi lại trên bàn ăn mẹ thử theo dõi xem con thế nào tiếp nhưng con chỉ đi ra đúng mép bàn và quay lại. Hic, hình như cũng biết bước tiếp sẽ bị ngã.



Rồi con còn biết trêu anh Lạc

. Hôm đi nhà mình và nhà anh Lạc uống café ở Dinh Thống Nhất, nét mặt con tính toán, nghĩ ngợi, con cố tình giẫm chân con lên chân anh Lạc rồi ngó xem anh Lạc có phản ứng gì không. Chân mẹ và chân bác Mai cũng cạnh chân anh Lạc nhưng con đâu có giẫm. Hiii. Chắc cũng biết không nên “đùa” với người lớn.



Đây là một vài tấm hình ghi dấu các chặng phát triển của con.





" Chào các bạn! tôi đã đến rồi đây."
" Mẹ chào con. Cuộc đời chào con"
Bông chào đời lúc 9h10 ngày 201/11/2007 tại BV phụ sản Từ Dũ

chụp ké SN cô Hằng 02/01/2008

4 tháng. Tớ là đệ tử của môn phái Thiếu Lâm

bà ngoại mới cắt tóc máu cho tớ nên đầu tớ hổng còn cọng tóc nào.
 

6 tháng tớ có 3 răng rồi.
Các bạn nhìn kỹ mà xem tớ mọc răng không như sách dạy đâu.
Bạn răng ở hàm trên là hàng xóm của răng cửa đấy
(lẽ ra răng cửa ưu tiên mọc trước, chẳng hiểu sao bạn hàng xóm kia bon chen quá)

7 tháng, tớ đang tập thể dục, bài hít đất nhưng tớ chỉ cần 2 chân và 1 tay thôi nhá


thôi nôi, tớ đúng là con gái "rượu" của bố tớ


15 tháng. Tớ tự tin đi chơi một mình mà không cần ai dắt tay

Hình này chị Thỏ chụp tớ đấy.