Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012
tháng 6 Hè về
Hè rồi. Lại chạy quanh gửi con. Nhà bác mấy ngày , nhà bà mấy ngày, tự ở nhà mấy ngày rồi cũng phải hết hè, không lẽ hè hoài sao???
Đọc nhiều, nghĩ nhiều, nghe nhiều, ao ước nhiều , dự định nhiều, muốn viết nhiều... rồi chả đâu vào với đâu... thấy mình như trâu bò như cửu vạn.
Kinh tế suy thoái, cạnh tranh khốc liệt, chỗ mình làm không nằm ngoài vòng xoáy ấy... cũng may một chút bộ phận mình cũng lai rai công việc , không đến nỗi không biết làm gì... nhưng nếu cứ tế này kéo dài cũng chưa nói trước được điều gì sẽ đến ???? Wait and see.
Một góc nhỏ và khuất. Một góc nhỏ và khuất. Một góc nhỏ và khuất. Gặp nhau sau 2 tháng làm ngơ.
Nơi cuối đường mình nhớ đến nhau . Bài quan họ Bắc Ninh nào đó có câu hát ấy. Trào nước mắt khi nghe câu hát ấy . Nhớ, chỉ là nhớ mà thôi...
Là gì, là gì, là gì? Là góc nhỏ và khuất trong nhau. Nghĩ giống nhau dù trước một vấn đề lạc quan hay tồi tệ cách nghĩ giống nhau. Cách cảm trước cái đẹp trong cuộc sống cũng giống nhau.
Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012
CỐ MÀ SỐNG
Được ngày nghỉ đầu tuần chở Mama đi nộp hồ sơ xin học cho thằng cháu, bố mẹ nó người còn bận đi làm kiếm xiền ở xa người thì bận đi công tác. Nghe nói muốn vào trường này phải đăng ký trước từ năm rưỡi đến 2 năm. Trường tư do các Sơ thành lập thì phải. Nghe mọi người gọi chung chung là trường Sơ. Làm thủ tục nhập học là 2 sơ, một Sơ già và một sơ trẻ. Dù đông nhưng các sơ vẫn điềm đạm, vui vẻ, nhiệt tình không hề tỏ ra khó chịu, mệt mỏi hay cáu gắt. Đúng là hiền như Masuer . Phong cách của các Sơ từ tốn nên làm việc cũng lâu, mình sống ngoài đời gió bụi phong sương nó vật cho nên làm gì cũng nhanh nó quen rồi. Đống hồ sơ của các Sơ giải quyết vào tay mình đảm bảo chỉ 1/3 thời gian của các Sơ là mình làm ngon. Trong thời gian chờ đợi các Sơ "từ tốn và điềm đạm" mình rảo một vòng quanh trường thăm thú. Cũng một lớp 60 chục bé, cũng 3 cô mặt mày sát thủ trông lớp ( có thấy Sơ nào coi lớp đâu nhỉ, chả hiểu ). Trên bản tin ngoài sân trường đọc được cái này hay, chụp bằng điện thoại, giờ chép lại vào đây cho bà con đọc chung ( cơ bản là cho mình tự an ủi dặn lòng - CỐ MÀ SỐNG )
* Cuộc sống như một cơ may, hãy nắm lấy nó.
* Cuộc sống rất đẹp, hãy chiêm ngưỡng nó.
* Cuộc sống như một giấc mơ, hãy đón nhận nó.
* Cuộc sống như một thử thách, hãy đáp ứng nó.
* Cuộc sống như một trò chơi, hãy chơi với nó.
* Cuộc sống như một gia tài, hãy giữ gìn nó.
* Cuộc sống như một tình yêu, hãy thưởng thức nó.
* Cuộc sống như một nỗi buồn, hãy vượt qua nó.
* Cuộc sống như một lời hứa, hãy cố thực hiện
* Cuộc sống như một bí ẩn, hãy khám phá nó.
* Cuộc sống như một cuộc tranh đấu, hãy chấp nhận nó.
* Cuộc sống như một sự phiêu lưu, hãy can đảm lên.
* Cuộc sống như một bài ca, hãy reo hò cùng với nó.
* Và cuộc sống vô cùng tuyệt vời đừng bao giờ phá hủy nó.
Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012
Bó hoa tím cho Tỷ
Tặng sư Tỷ
Cẩm Tú Cầu cũng có sắc tím nè Tỷ
tặng Tỷ hoa Sao tím nữa này ( miễn là màu tím , hihi )
hoa này em chụp ở Cung Văn hóa Việt Tiệp HP, tháng 7 - 2009 đó Tỷ
đó là lần chúng mình tiễn bác đi xa.
Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012
Mừng ngày Đản Sinh của đức Từ Phụ Thích Ca
Phật Ngọc cho Hòa Bình Thế Giới ( tại chùa Phổ Quang TP HCM - 2009 )
Tháng 4 năm 2009, mình và bạn đến chùa Phổ Quang chiêm bái Phật Ngọc Hòa Bình TG,
mỗi lần xem hình Phật Ngọc lại nhớ đến bác, bác đi xa sắp được 3 năm rồi.
hình Đức Phật Đản Sinh - chụp tại chùa Viên Giác TP HCM 2012
tháp chùa Viên Giác
Mái chùa cong cong - chùa này được công chúa Thái Lan bảo trợ,
diện tích chùa không rộng lớn nhưng lúc nào cũng duyên dáng như nàng công chúa
Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát -
Ngài là hàng xuất khẩu qua nước ngoài nhưng đầu nước ngoài chê sản phẩm chưa hoàn hảo nên trả về VN,
có lẽ chi phí vận chuyển và lưu kho lưu bãi quá lớn nên khách hàng bỏ Ngài lại kho hàng luôn.
Nhân ngày lễ Phật Đản dâng lên Ngài bình hoa Cúc gọi là.
Thỉnh thoảng mấy chị em vẫn rủ nhau tắm Ngài bằng nước rửa chén và nước uống đóng chai.
Có lẽ các nghệ nhân Đà Nẵng chế tác từ mỏ đá trắng ngoài Đà Nẵng.
Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012
Nhớ Trịnh Công Sơn ( sưu tầm )
Mười một năm qua, Trịnh Công Sơn đã đi vào cõi bất tử. Anh chọn ngày cá tháng tư- ngày nói dối toàn thế giới để ra đi. Hóa ra, tin anh đi khỏi cuộc đời này, về thực chất là một tin bịa đặt. Trịnh Công Sơn không bao giờ chết khi các ca khúc tuyệt vời của anh còn sống mãi với dân tộc.
Trịnh Công Sơn là bạn với cả nước. Hỏi có gia đình Việt nào không một lần mê mẩn vì các ca khúc “gây nghiện” của anh.. Trong chừng mực ấy, kẻ viết bài này cũng là bạn của Trịnh.
Nhớ cuối năm 1992, ngồi uống café với Trịnh Công Sơn trước Hội Âm nhạc TP.HCM. Anh bảo : “Hảo có thơ gì mới đọc cho mình nghe với ?”. Hầu như lần nào gặp nhau, có cơ hội yên lặng là anh hỏi tôi có làm được bài thơ nào mới, đọc cho “moi” nghe chơi ! Thơ phú lênh láng một hồi xong, Trịnh Công Sơn bảo : “Mình sắp in một tập nhạc có tựa đề: “Bên đời hiu quạnh”, đã xin được giấy phép, do Hội Âm nhạc thành phố đứng ra in, đây là tập nhạc đầu tiên của mình được phép ra trong chế độ mới ( CS) nên phải cẩn thận. Từng bản nhạc đã được “cơ quan chức năng” duyệt, kể cả lời tựa do bạn mình là Bửu Ý viết. Mình muốn Hảo viết cho mình mấy dòng in trân trọng nơi bìa bốn, đồng ý chứ?”. Tôi hơi bất ngờ, bảo anh: “ Anh Sơn này, theo Hảo, anh nên mời anh Nguyễn Quang Sáng hoặc anh Nguyễn Duy, hai bạn nhậu của anh viết cho có phải thú vị hơn không?”. Anh Sơn bảo: “Sáng và Duy có viết về mình mấy bài in báo, nhưng dài quá, không thể trích mấy dòng nơi bìa bốn của tập nhạc được; vậy “moi” mới nhờ Hảo, cũng muốn có một kỷ niệm với Hảo cho vui…”. Tôi đồng ý!
Hai ngày sau tôi chưa kịp viết thì anh Trịnh Xuân Tịnh, người em trai thứ hai của anh Sơn tìm tôi giục, rằng: “ Bìa một đã làm, anh Sơn bảo chờ mấy dòng của anh Hảo mới làm tiếp bìa bốn của tập nhạc…”. Tôi ngồi viết ngẫu hứng mấy dòng sau đưa cho anh Tịnh: “Nghệ thuật hi vọng của Trịnh Công Sơn là nghệ thuật băng qua tuyệt vọng, có đi qua lò bát quái của phần số, nhân tính mới còn cơ phát lộ. Trong lò lửa luyện ngục của anh, chúng ta được gặp cái mát lành của tuyết đầu mùa. Anh chỉ ra rằng băng tuyết cũng có thể dùng để sưởi ấm. Anh làm ta tin vào khả năng lặng im của loài quạ. Thực ra thiên chức của nghệ thuật là thức tỉnh nỗi cô đơn cùng tận của con người. Chính cô đơn là hình ảnh tư duy của chàng Hamlet. Chừng như sự chết và hư vô là hai tên gọi khác của nỗi cô đơn? Thức tỉnh nỗi cô đơn, nghệ thuật đồng thời cũng thức tỉnh cả cái chết và niềm hư vô. Âm nhạc của Sơn làm ta có cảm giác vừa rơi lên đỉnh vực nỗi cô đơn. Chỉ có thể đi hết cái tôi, chúng ta mới có cơ gặp cả loài người” – Trần Mạnh Hảo 10-1992 (Bìa bốn, tập nhạc BÊN ĐỜI HIU QUẠNH –TRỊNH CÔNG SƠN -Tình khúc -Nhân Bản 1993 – Hội Âm Nhạc TP-Giấy phép xuất bản số 345 ngày 9 tháng 01 năm 1993 – In và nộp lưu chiểu tháng 06 năm 1993)
Bằng thiên tài của mình, quả thực Trịnh Công Sơn đã đi hết nỗi cô đơn kiếp người, đi hết niềm hư vô và đi băng qua cái chết để đến với sự bất tử của anh trong lòng dân tộc ViệtNamvà thế giới. Trịnh Công Sơn không chỉ là một hiện tượng âm nhạc hậu bán thế kỷ thứ XX của ViệtNam; anh còn là một hiện tượng văn hóa của dân tộc đau thương và bất hạnh vào bậc nhất của thế giới này. Tuồng như không phải anh cô độc ôm đàn hát lên nỗi niềm day dứt mê ly của mình mà chính là những vết thương của lịch sử đang cất tiếng hát, vết thương của nỗi cô đơn, vết thương của tình yêu, vết thương của bất hạnh và hạnh phúc, vết thương của vô thường, vô ngã, vô vi, vô ưu, vô vọng, vô biên, vô lượng … cùng cất tiếng hát.
Trịnh Công Sơn, chính anh mới là cây đàn của mẹ ViệtNam. Mẹ ViệtNamđã ôm anh vào lòng như bức tranh người đàn ông ôm cây Tây Ban Cầm của Pablo Picasso để hát lên tình yêu và nỗi buồn vô tận của kiếp người. Hay nỗi buồn mượn anh mà hát lên những giai điệu có thể làm “đá ngây ngô” cũng ứa nước mắt ? Hay cỏ cây, mây trời, núi sông, ruộng đồng… đã mượn anh mà hát lên nỗi niềm vạn thưở của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…?
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn không chỉ là ma thuật giai điệu hài hòa với phần lời rất thi ca sâu thẳm mà còn là thiền học, triết học cất lời, rót vào tâm hồn người cả nỗi ưu tư của đất trời, những thắc thỏm, u hoài trần thế, những băn khoăn, day dứt, sầu thương, hoài vọng, hoài nghi, hụt hẫng, ngơ ngác nhân sinh. Tôi cho rằng một số nhạc sĩ chê phần nhạc của Trịnh Công Sơn là đều đều, đơn điệu… là vô căn cứ nếu không phải là do đố kị tài năng. Nhạc Trịnh bỏ lời đi, vẫn vô cùng quyến rũ, vẫn làm mê mẩn hàng triệu người. Phần lời của nhạc Trịnh quả tình siêu việt, là thi ca được hát lên. Bằng chứng là rất nhiều bài hát Trịnh Công Sơn được hòa tấu không lời vẫn cứ tuyệt vời, làm thổn thức hàng triệu triệu trái tim người nghe.
Đánh tên Trịnh Công Sơn lên công cụ tìm kiếm Google, sẽ thấy rất nhiều bài báo vu cho Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, là tên văn công hạng bét, là phản bội Việt Nam cộng hòa, nơi đã sản sinh ra thiên tài Trịnh… Ngay cả một người bạn thân của anh Sơn là họa sĩ T.C. cũng cho Trịnh có ý đồ chính trị… Không, Trịnh Công Sơn trước hết là một con người phi chính trị, một văn nghệ sĩ thuần túy. Âm nhạc của anh vượt lên mọi đối kháng chính trị trong suốt cuộc chiến Việt Nam. Nếu Trịnh từng là Việt Cộng nằm vùng, không đời nào năm Mậu Thân 1968, anh lại viết bài hát “Tôi đã thấy”: “Chiều đi lên Bãi Dâu hát trên những xác người…” than khóc cho hàng nghìn người bị tàn sát ? Nếu Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, không bao giờ anh viết về cuộc chiến Việt Nam là:“hai mươi năm nội chiến từng ngày”? Nếu Trịnh là Việt Cộng, không bao giờ anh dám viết bài hát (Requiem – Kinh cầu hồn) “Cho một người nằm xuống” là đại tá Lưu Kim Cương bị quân đỏ bắn chết năm Mậu Thân 1968 tại sân bay Tân Sơn Nhất? Nếu Trịnh là Việt Cộng nằm vùng, sau năm 1975, sinh viên Huế sao lại dám mang nhạc anh ra đấu tố, anh phải đi lao động cải tạo trồng sắn trên núi; và quan trọng hơn là nhạc của anh mấy năm liền vẫn bị cấm hát? Anh phải bỏ Huế vào Sài Gòn sống với mẹ và các em.
Sau năm 1975, tôi có dịp sinh hoạt chi bộ với nhà văn Nguyễn Quang Sáng lúc anh Sáng bắt đầu cặp kè với Trịnh Cộng Sơn như bóng với hình. Chi bộ hỏi anh Sáng về chuyện đó, anh Sáng khai: “Thành ủy và anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) chỉ thị cho tôi bám sát Trịnh Công Sơn để lôi kéo anh ta về phía cách mạng. Trên bảo: nhạc sĩ này là thành phần đáng ngờ, có thể anh ta từng làm việc cho CIA, cần phải theo dõi anh ta trong mọi nơi mọi lúc”. Có thể vì chưa hiểu được nhiệm vụ cách mạng này của nhà văn Nguyễn Quang Sáng mà nhà văn Đặng Tiến (bên Pháp) mới viết rất không đúng rằng: “Nguyễn Quang Sáng và Nguyễn Duy điếu đóm cho Trịnh Công Sơn” chăng? Có thể vài bài hát của Trịnh Công Sơn như: “Huyền thoại mẹ”, “Em ở nông trường em ra biên giới”, “Ngọn lửa Matxcơva”… anh làm trong lúc bị “phê” rượu Tây với sự tranh thủ hết sức thân tình của Nguyễn Quang Sáng chăng? Nếu anh Sơn là Việt Cộng, anh đã để cho nhà nước tổ chức đám tang mình ở Hội văn nghệ hay tại nhà tang lễ Lê Qúy Đôn giành cho những cán bộ công khai và cán bộ ngầm có công với hai cuộc kháng chiến. Anh Sơn trối lại cho các em là tang lễ anh sẽ chỉ tổ chức tại nhà mình 37D Phạm Ngọc Thạch mà thôi ! Nếu anh Sơn là Việt Cộng nằm vùng, ít nhất anh đã được giải thưởng quốc gia về văn học nghệ thuật ?
Trịnh Công Sơn không phải người của quân đỏ hay quân xanh. Anh là con của mẹ Việt Nam, đến đất mưa bom bão đạn này để hát lên niềm hi vọng về nỗi tuyệt vọng con người, hát lên tình yêu bi thảm kiếp người, hát lên nỗi buồn mang mang thiên cổ nhân sinh của một gã du tử đến từ khu vườn các thiên sứ.
Chừng như từ khi sinh ra Trịnh Công Sơn đã bị thần thi ca, thần âm nhạc Apollon cướp mất cả hồn xác, biến anh thành âm nhạc, thành thi ca thuần túy . Bao nhiêu người đàn bà đẹp mê anh, yêu anh chừng như đã không giành được thân xác anh và linh hồn anh mãi mãi ? Tình yêu anh đã hiến tế cho âm nhạc, thi ca, cho triết học, thiền học, không còn chỗ cho phái đẹp cư trú. Những người đàn bà ghé qua âm nhạc anh trú ngụ ít ngày rồi cũng “bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Nói cho cùng, tình yêu của Trịnh Công Sơn dành cho các người đẹp là một tình yêu thiên sứ. Mà thiên sứ thì chỉ yêu bằng tâm hồn thôi ! Còn thể xác anh đã tận hiến cho đất trời, cho cát bụi, cho Phật, cho Chúa…cho âm nhạc của mình muôn thưở trường tồn cùng dân tộc ViệtNam. Mười một năm trước, Trịnh Công Sơn đã mang nguyên vẹn niềm trinh nguyên thiên sứ của mình về với cát bụi để mãi mãi thủy chung cùng cõi hư vô, thủy chung cùng thần Apollon mà bất tử với cây đàn Lia vĩnh cửu trên Niết Bàn ẩn cư trong trái tim mỗi người Việt yêu nhạc Trịnh.
Sài Gòn ngày 30-03-2012
Trần Mạnh Hảo
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)