Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Mọi con đường đều dẫn tới Sài Gòn


Với những người không sống ở SG thì SG là SG. Còn những người đang sống ở SG thì SG là quận nhất, là vài con đường trung tâm như Đồng Khởi, Lệ Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Nhà thờ Đức Bà... Chiều qua như đã hứa với Thỏ Bông, Thỏ thi xong mẹ cho 2 chị em đi ngắm phố và chụp hình. 2 bố bận đi họp họ, mẹ rủ bác Mai và anh Lạc đi chung. 2 mẹ đã tính toán là đi sớm ( 18h30 rời khỏi nhà ) và đi chơi vào ngày thường ( tránh thứ 7 và chủ nhật )  nhưng khổ nỗi thiên hạ nhiều đứa nghĩ giống mình. 2 mẹ và 3 con ra tới SG, trời ơi đông! Có cảm tưởng hai mấy quận huyện trong thành phố này đều đổ về đây và mọi người như những đàn thiêu thân, cứ chỗ nào có ánh sáng là bu lại ( chụp hình ). Kế hoạch phá sản một nửa, ngắm phố thì có chụp hình thì không ( chỉ chụp vài ba pô ở chỗ vắng người ). Bông dễ tính nhất vì nhỏ nhất nên nàng không đòi hỏi nhiều, nàng cứ thấy ánh đèn chớp tắt xanh đỏ, phố xá nhộn nhịp, gió mát hiu hiu và nàng được chạy nhảy là khoái rồi. Anh Lạc đi ngắm phố nhưng hồn nghĩ về gà rán ( anh là con trai nên anh chả máu chụp hình ), Thỏ thì thích vào nhà sách hoặc vào khu vui chơi Tini. Thôi thì đợi cô hằng đi công tác ở Huế về rủ cô đi chụp sau vậy, phố xá vẫn còn trang hoàng đến tết Tây.

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

Các em bé từ đâu đến?

Tối qua như thường lệ mẹ và Thỏ rù rì một tí trước khi ngủ. Đến chuyện đám cưới của bố mẹ, mẹ hỏi Thỏ một câu xem Thỏ biết gì về câu hỏi "các em bé từ đâu đến?"


Mẹ: Thỏ ơi, trong đám cưới của bố mẹ Thỏ ở đâu ấy nhỉ? Xem hình mẹ chẳng tìm thấy Thỏ đâu.


Thỏ cười cười ( ý là con biết rồi mẹ đừng có lừa con ).


Thỏ tự tin : Lúc đó con chưa ra đời, con đang ở trên trời. Mẹ cưới bố xong ông trời mới thả con vào bụng mẹ, rồi mẹ sinh con ra. Ông trời cũng thả em Bông vào bụng mẹ, mẹ sinh em Bông ra, mẹ nuôi em Bông mập ú ù u.



Bông lúc này ít tóc quá, chắc 8-9 tháng gì đó, mẹ quên rồi



Uiii, mẹ đừng chụp em!!!



Nắng quá, mượn nón chị Thỏ tí.


 

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh

Kỳ 16: Trò chuyện cùng nhà văn hoá tâm linh Phan Oanh:



“ĐI ĐÂU TÔI CŨNG CHỈ XIN CHO DÂN VIỆT NAM SÁNG ĐẠO”


Nhà báo Hoàng Anh Sướng thực hiện






“Chúng ta phải rà soát lại toàn bộ phong thuỷ của Việt Nam. Đó là đất đai, sông núi. Chúng ta phải xem tất cả những đại huyệt ấy, đại huyệt nào tắc, huyệt nào bị yểm, huyệt nào chưa thông, bị phá, chỗ nào phải phục long, đảo long, khai long…”


Tôi gọi bà là nhà văn hoá tâm linh không chỉ bởi bề dày 25 năm hoạt động, cống hiến cho đời sống tâm linh nước nhà mà còn bởi những chiêm nghiệm, đúc kết,  kiến giải đầy sức thuyết phục của bà về thế giới tâm linh đầy huyền bí. Nguyên là giáo viên dạy triết học ở Hà Nội, có khả năng ngoại cảm sau một cơn đột biến, bà là một trong những nhà tâm linh đầu tiên hoạt động ở Hà Nội. Cuộc trò chuyện với bà kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ trong một buổi chiều mùa hạ mưa dầm sùi sụt về hiện tượng “bùng nổ” các nhà ngoại cảm, về nhu cầu bức xúc thời hậu chiến: đi tìm hài cốt liệt sĩ, về “cơn sốt” lễ bái cầu cúng đền chùa hiện nay và cả chữ “Đạo” mà người đời đang hiểu sai lệch đã gây cho chúng tôi rất nhiều bất ngờ và hứng thú. Tính thuyết phục trong cách nhìn, cách kiến giải của bà có lẽ lấp lánh bởi cái nhìn sâu sắc của một người thấm nhuần triết học, sự trải nghiệm của một người đã bước qua tuổi “tri thiên mệnh” và trên hết bởi chính những nếm trải của người trong cuộc đã… 25 năm làm tâm linh..


P.V: 25 năm hoạt động trong lĩnh vực tâm linh, có bao giờ bà dừng nhịp để ngẫm về những điều mình đang làm?


Bà Phan Oanh: Có chứ. Ngay từ những ngày đầu bùng nổ về khả năng ngoại cảm, tôi đã ngộ ra một điều: Khó nhất ở trên đời là sống ở dương phải làm việc âm. Không biết lấy cái gì để mà đo. Những người làm việc âm tìm ra được một cái thước chuẩn để đo là một công việc không dễ  chút nào. Tìm hoài, tìm mãi, tìm ở đâu? Cuối cùng, tìm ngay  trong ta chứ không phải ở đâu xa lạ. Bởi nó chứa đựng tất cả. Những cái gì tinh tuý nhất, ô trọc nhất, quỷ quái nhất đều tồn tại trong con người ta. Cho nên khi thực hành tâm linh, điều quan trọng nhất là tâm pháp. Và cái cao nhất cũng là tâm pháp. Ví như Bùa ngải xứ Mường mà tôi đã có dịp đọc trên Tạp chí Thế Giới Mới mà anh là tác giả. Bùa ngải không có tội, chỉ có người thực hành phương pháp này sinh công hay sinh tội mà thôi. Bản thân nó rất vô ngã. Và nếu như cái nghiệp nhà anh mà nó hợp với cái pháp này thì cái duyên pháp ấy nó hợp nhau để tạo nên một sự lợi lạc. Và chính cái bùa ngải này là hóa giải, là chuyển nghiệp. Vậy thì muốn chuyển nghiệp có ngàn vạn cách. Nhà Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn cơ mà. Nhưng tại sao anh chọn một pháp tu, anh lại bảo chỉ pháp tu anh mới đúng còn pháp kia là sai, là xấu, là lệch. Cái đó là do nhận thức của chúng ta quá chật hẹp.


PV: Bà quan niệm thế nào về chữ Đạo? Và những người làm tâm linh như bà có cần có Đạo không?


Bà Phan Oanh: Tôi có một quan niệm thế này: Đạo xếp đường tròn. Và nếu trên hành tinh chúng ta có 7 – 8 tỷ người thì cái hành tinh tưởng là to, vĩ đại nhưng so trong thiên hà nó mảnh mai, bé xíu, chứa đựng 7 – 8 tỷ người sẽ có một đường tròn khổng lồ cho 8 tỷ chỗ đứng. Và mỗi người chỉ được đứng một vị thế trên cái đường tròn khổng lồ ấy, không ai tranh của ai. Vì vậy, tôi rất muốn mọi người khi có nhân duyên để làm công việc tâm linh thì phải xích lại gần nhau. Hội được cái tâm, chụm đầu vào nhau mà phát huy hết sức mạnh. Tôi cho đó là những quà tặng mà hồn thiêng của trời đất, của sông núi, của liệt tổ liệt tông trao tặng. Và ai đó có duyên lành từ kiếp trước và ngàn vạn những mối nhân duyên nữa được tiếp nhận cái này thì phải làm cho cái duyên đó toả sáng, làm lợi lạc cho chúng sinh. Có lần tôi đã nói với nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: “Hằng ạ! Trời đất và liệt tổ liệt tông ban cho Hằng một bảo bối để Hằng đi tìm mộ. Và cái bảo bối này sẽ giải quyết được một nhu cầu bức xúc vô cùng sau chiến tranh. Hằng phải sử dụng bảo bối này với cái tâm phải sáng, đức phải rộng. Nếu như tâm mà mỏng, đức mà sơ, không may thiên nhiên trời đất thu lại, cô cháu mình sẽ trở thành… “ông lão đánh cá”. Cái lẽ hiển nhiên ấy, không phải ai làm tâm linh cũng hiểu được đâu. Họ cho rằng khả năng ấy là của họ, cho nên cái tôi của họ đã lấn lướt.


Khi thành lập Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người (năm 1997), 3 buổi chiều, ông Ngô Đạt Tam, giám đốc Trung tâm lên nhà tôi trao đổi, đàm đạo. Tôi bảo với ông ấy rằng: “Anh Tam ạ! Cái mừng nhất là Trung tâm này ra đời, có nghĩa là thông tin của tôi bắt được cách đây 15 năm (1982) là đúng. Rằng nó phải là một ngành khoa học. Và nhà nước sẽ quan tâm đến. Bây giờ nhân danh một nhà khoa học, tập hợp các nhà ngoại cảm, nếu như các anh không vững vàng về lý của trời đất thì cái trung tâm ấy sẽ trở thành nơi các nhà ngoại cảm… tỷ thí tài năng. Bởi vì tôi biết, trong cái môn này thì chả có ông nào bé cả. Thầy nào cũng là số một.


P.V: Có một thực tế là dân ta hiện nay đổ xô đi lễ. Có lẽ chưa bao giờ, các đình, chùa, miếu mạo lại đông con nhang đệ tử đến xì xụp khấn vái nhiều như bây giờ? Đó phải chăng vì dân ta mộ Đạo? Đạo ở Việt Nam đang thịnh?


Bà Phan Oanh: Ngày 14 tháng 2 năm 1982, tôi bùng nổ hiện tượng này. Tôi nhận được một thông tin: “Con ơi! Dân sính lễ là điềm suy xã tắc. Bao giờ dân giác ngộ đạo mới là điềm thịnh của quốc gia. Ta báo cho con biết trước, từ 1985 trở đi, những thành phố lớn, những người có học sẽ đua nhau đi lễ”. Càng ngẫm tôi càng thấy đúng. Song lúc ấy, tôi cứ tự hỏi: “Tại sao sính lễ là điềm suy?. Mãi sau này tôi mới hiểu được.


Ngạn ngữ dân tộc ta có câu: “Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa”. Có nghĩa: Thứ nhất tu tại gia không phải là lễ tại nhà. Đó là mối quan hệ giữa người với người trong huyết tộc. Ví như cha mẹ tôi sinh hạ được 5 người con. Nhưng bố mẹ nói: chỉ thích ở với cô Oanh thôi. Thì tôi nuôi mẹ, đó là nhân duyên, cái lý của nhà Phật. Lúc khỏe cụ trông nhà cho tôi là duyên. Lúc ốm thì là nợ. Cụ ở với tôi thì dứt khoát nhân tài, vật lực, công hạnh, bản thân tôi phải cống hiến 70% còn bốn vị kia chỉ có 30% thôi. Nếu tôi ngộ đạo thì tôi làm bằng sự tự nguyện, tôi được công đức. Đấy mới là tu. Còn nếu vô đạo, tôi sẽ bảo: Cụ đẻ ra được 5 người chứ không phải mình tôi, các ông bà chia nhau đến để mà hầu cụ. Một ví dụ nữa. Có một người bạn rất giỏi về mảng dự báo bảo: “Oanh ơi! Cẩn thận không năm nay nhà Oanh mất xe đấy”. Và nếu như người dự báo ấy giỏi, tháng 10 tôi bị mất xe thật. Nếu ngộ đạo, tôi sẽ nói với chồng: “Chắc nó vào chương trình rồi anh ạ!” thì xe mất nhưng vợ chồng tôi không cãi nhau, tinh thần nhà tôi không nát. Và tuyệt vời hơn nữa khi tôi nhận được một câu: “Thôi em ạ. Năm ngoái các cụ cho mình 10 cái xe, năm nay mất 1 cái, yên tâm đi”. Đấy mới là tu. Chứ không phải rằm, mồng một, con không đến chùa, con lễ ở nhà là tu tại gia.


Thứ hai tu chợ. Đó là mối quan hệ ngoài huyết tộc nhưng diễn ra sắc tục. Chị tử tế chị đi chợ đoan trang. Bà nhẹ nhàng đi chợ ý nhị. Tôi tham, tôi mua một cái cải bắp, bằng được tay nem tay chanh thêm cho bác củ hành. Qua hành vi mua bán bộc lộ hết tính nết, bao nhiêu nọc độc có cơ lộ rõ. Đi đến công đường không nghĩ chuyện làm chỉ nghĩ chuyện lật đổ. Trong khi đó, trong số mệnh mình, nếu mình hiểu mình chỉ là quân xe thì làm sao mình lên tướng được. Vốn của mình nó thế, nó phải thế. Phật nói rất rõ ràng, nó là nhân quả. Còn nếu hiểu, kiếp này mình rất giỏi nhưng chỉ làm trợ lý, làm quân xe thì mình làm hoàn thành công việc của xe, mình đã đắc đạo.


Thứ ba tu chùa. Có nghĩa là tu ở nhà cho tâm sáng, ứng xử ở ngoài cho đức rộng thì anh đến chùa là báo công với người Mẹ  thiên nhiên. Mà một là công, hai là tội.


ở Việt Nam bây giờ, người hư đi lễ nhiều. Tôi cam đoan đánh đề ngày nào cũng đi lễ. Cà phê bóng đá ngày nào cũng đi lễ. Chạy trốn pháp luật, buôn gian bán lận đi lễ. Còn những người đổ mồ hôi sôi nước mắt, đầu tắt mặt tối làm quần quật thì thời gian đâu mà đi lễ. Cho nên dân sính lễ là điềm suy xã tắc. Cho nên phải tốt từ nhà, tốt đến xã hội con ơi mới đi lễ. Một câu đơn giản vô cùng mà tôi thấm thía. Càng ngẫm càng hay, càng đúng.


Cho nên chữ đạo là một vòng tròn khép kín không đầu. Dân tộc Việt Nam có câu “thứ ba tu chùa” nhưng lại có câu “Tiên học lễ”. Đấy là khởi đầu. Khởi đầu chính là nó và kết thúc cũng chính là nó.


P.V: Nói như bà thì ở Việt Nam, dân ta đang thiếu Đạo?


Bà Phan Oanh: Đúng! Việt Nam thiếu Đạo. Đức, bây giờ chúng ta dạy đức quá nhiều. Thế hệ chúng tôi trước đi học cũng vậy. Những tiết luân lý nhiều lắm. Nhưng người ta dạy Đức mà không dạy Đạo. Cho nên lớn bé, già trẻ, đạo đức cứ xuống cấp. Và cái buồn da diết là hễ khi nhắc đến chữ Đạo, người ta lại có một khái niệm là: cậu này có đạo là nghĩ cậu hay đi lễ. Tệ hơn, người hay đi lễ là xếp vào dạng kém hiểu biết. Theo tôi, nếu nói người ấy có Đạo, có nghĩa là: Người ấy có văn hoá. Và hiện nay, chúng ta đang nhầm lẫn giữa tri thức với văn hoá. Người tri thức bây giờ hơi đông nhưng người có văn hoá bây giờ hơi hiếm.


Từ cái chữ Đạo, thước Đạo này, tôi mới giật mình, ông trời chỉ cho tôi cái thước này, tôi mới đem mọi việc âm, dương soi vào đây, thấy sai nhiều quá. Cũng phải sau 7 năm tôi tiếp nhận, thể hiện, 7 năm tôi tu, học, rèn, và đến năm thứ 7, tôi mới đủ trí tuệ thắp một nén nhang thưa với trời đất rằng: Con lạy ngài, con xin khước từ tất cả công danh sự nghiệp đời thường để con đổi lấy hai chữ… học trò. Vì sao? Vì trong 7 năm ấy tôi thấm thía cái thước đo vô hình, đó là thước Đạo. 7 năm ấy tôi thấm thía cái chúng ta bị thiếu hụt, đó là thiếu Đạo. Lạy Phật, đạo cao nhất và đạo cần thiết nhất, đó là Đạo làm người. Làm người chưa xong thì làm sao thành thánh, thành Phật, thành tiên được.


Tôi luôn nói với những người đến với tôi rằng, nếu như ai thích hiểu thì đến với tôi, còn nếu ai thích biết (muốn biết mình sướng hay khổ?) thì mời đi nơi khác. Đến với tôi mà muốn hiểu trong đời sống tâm linh có bao gồm những nội dung gì thì xin mời lưu lại ở đây, tôi hết lòng hết dạ đàm đạo. Vì sao? Vì trong đời sống tâm linh có đời sống vật chất, đời sống tinh thần. Cho nên con số 1 là con số vũ trụ, con số 2 là con số biến và con số 3 là con số hoá. Hiện nay chúng ta đang bị nhầm đời sống tâm linh với hiện tượng tâm linh mà ta qưen gọi là các nhà ngoại cảm. Bây giờ có rất nhiều nhà ngoại cảm lấy vợ bé, họ không tu đức, họ chẳng tu tâm. Họ cho rằng: giời cho tôi lộc, tôi được hưởng. Họ quên mất rằng, giời cho họ cái lộc ấy để họ là tấm gương sáng cho trăm họ soi. Họ quên mất rằng: Trời cho họ cái lộc này để họ làm phúc chứ không phải để họ lấy phần. Vì lộc có hai thứ: giá trị tinh thần là phúc âm. Giá trị cụ thể là phần. Mà lấy phần thì hết phúc. Lấy phúc phải nhẹ phần. Vì thế, bây giờ, có những cửa điện cửa đền người ta gọi là cái máy chém tiền. Một ngày họ thu vài chục triệu là chuyện thường. Và tôi sợ những người này, thương những người này, lo cho họ. Tôi không hiểu họ cần nhiều tiền thế để làm gì vì tôi cam đoan, họ có ăn yến đi chăng nữa, ngày họ cũng chỉ ăn đến ba bữa. Một bữa cơm ngon ăn quá thành bội thực. Trời cho lộc, làm việc âm phải lấy lộc âm là phúc. Chứ làm việc âm mà lấy lộc trần là phần thì xin lỗi, “lộc phật có gai”. Con cháu nay mai tha hồ trả không biết bao nhiêu cho kể.


P.V: Có phải vì thế mà người đời thường nói: “Làm việc âm bạc phúc lắm”  phải không, thưa bà?!


Bà Phan Oanh: Anh nghĩ như vậy hay anh trăn trở?


P.V: Tôi nghĩ như vậy và chiêm nghiệm như vậy.


Bà Phan Oanh: Đạo học phương Đông giống như cái tam giác cân. Tôi dùng từ đạo học phương đông chứ không dùng từ triết học phương đông. Nó có 3 đỉnh. Người được gọi là ngoại cảm phải học đủ 3 thứ này. Nếu không sẽ sai phạm. Thứ nhất, giới pháp luật, tức là anh phải hiểu. Hiểu rồi thì anh hãy biết. Biết rồi anh phải dạy cho trăm họ tu. Nhưng bây giờ tất cả thầy đồng, thầy bói, thầy cúng.. làm mỗi cái đỉnh biết này thôi. Chẳng hạn một ông thầy số bảo: năm nay anh năm tuổi phải làm lễ giải hạn đi. Thế là hì hà hì hụp lễ như tế sao. Không ai hỏi: “Tại sao phải lễ giải hạn?”. Hỏi sợ phạm thượng, sợ ông thầy đuổi thẳng cổ về: “Vớ vẩn, năm nay sao La hầu, Kế đô, không lễ chết. Bỏ tiền đây lễ”. Người lễ hoàn toàn không hiểu nhưng cứ phải lễ. Tức là lễ này không có nghĩa. Lễ phải đạt đến cái nghĩa cơ. Cho nên hiểu rồi hãy nên biết. Biết rồi thì phải tu. Còn lễ chỉ là một phương pháp cực kỳ nhỏ: một là báo công, hai là kêu cứu, ba là chắp tay trước ngực nói: “Mẹ ơi! Phúc nhà con thì mỏng, đức nhà con thì sơ nhưng kiếp này con đã thay cả nhà giác ngộ được Đạo rồi. Con nguyện từ nay cho con khoẻ để con lập công chuộc tội, con làm nhiều việc thiện”. Cái tu này, nói như dân gian là “đức năng thắng số” hay ý thức tác động trở lại. Và người làm ngoại cảm phải học đủ 3 cái này. Cái hiểu là lý, là ánh sáng để rọi đường. Cái biết là anh thực hành. Cái dạy cho trăm họ tu là anh tạo ra pháp có để anh lấy một chút công đức. Nếu anh làm đủ 3 cái này, không lo bạc phước.



“Mãi mãi tôi chỉ là một con tốt vô danh làmcông việc dẫn đường”


P.V: Như tôi được biết, có lẽ không có một quốc gia nào trên thế giới này lại sản sinh ra nhiều nhà ngoại cảm như ở Việt Nam. Bà lý giải gì về điều này?


Bà Phan Oanh: Ngay từ những ngày đầu có khả năng ngoại cảm, tôi đã nhận được thông tin: “Con ơi! Cuối thế kỷ 20 các nhà ngoại cảm Việt Nam sẽ nổi lên như mưa rào. Và những người tìm mộ sẽ rất đông để thoả mãn một nhu cầu bức thiết sau chiến tranh. Ngẫm đến bây giờ thấy hoàn toàn đúng. Như lúc đầu tôi đã nói, đó là những quà tặng mà hồn thiêng của trời đất, của sông núi, của liệt tổ liệt tông trao tặng. Và các nhà ngoại cảm là những người có duyên lành từ kiếp trước và ngàn vạn những mối nhân duyên nữa được tiếp nhận cái này.


P.V: Hiện nay, chúng ta chưa có một con số thống kê chính xác về số hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy sau chiến tranh nhưng ước chừng còn khoảng 300.000 hài cốt còn vùi xác thân trong rừng sâu, núi thẳm. Ngày ngày, vẫn còn hàng ngàn người mẹ, người vợ, người con đau đáu, khắc khoải, để rồi bằng mọi cách đi tìm hài cốt của chồng, con mình. Những cuộc đi tìm ấy vô cùng gian nan và tốn kém. Là người trong cuộc, bà nghĩ gì về điều này? Có cách nào giải quyết bằng tâm linh không?


Bà Phan Oanh: Có lẽ việc tìm mộ này sẽ diễn ra trong một thời kỳ lịch sử kéo dài từ 50 năm đến 70 năm. Sau 70 năm, chúng ta nên lập các đàn, không chỉ có cầu siêu mà xin cho các liệt sĩ đầu thai, chuyển nghiệp để đừng có lấn quấn với cái thân tứ đại làm gì. Bởi vì cái này nên rời bỏ, nên về các cảnh giới khác dù rằng cõi trung giới hay thượng giới mà làm cái công việc nó ân nghĩa hơn là cứ luẩn quẩn trong rừng sâu, khe đá cũng chỉ là ma mường, ma xó mà thôi. Và ước gì, dân tộc chúng ta, có một ngày 27 tháng 7 nào đó, chùa chùa, nhà nhà, cùng một lúc làm được việc này để cho cái sự rung động được cộng hưởng, nhân lên gấp nhiều lần. Trong đó, những người là nhân chứng lịch sử còn lại được hưởng những đặc ân, họ khởi được tâm, họ làm được. Và những chùa lớn đánh cùng một lúc tiếng chuông, chuông hiệu triệu, chuông cầu siêu, chuông hoá giải tất cả mọi nghiệp ai oán, ân oán, hờn oán, hận oán trong chiến tranh và xin với trời đất, xin Phật độ để cho những vị có công với quốc gia sớm được chuyển nghiệp đầu thai, làm những công việc lợi ích. Năm 2000, năm chuyển giao thế kỷ, ngày mở đạo của tôi, tôi đã viết những câu thơ thế này:


“Canh Thìn tiếng trống âm vang


Mẹ ơi! trống dậy thế gian chuyển mình


Lẽ trời sự biến sự sinh


Qua cầu binh lửa hiểu mình, hiểu ta


Chúng con kết một đàn hoa


Tạ ơn vũ trụ ông bà, tổ tiên


Tạ ơn triệu triệu người hiền


Đã dâng đã hiến đã yên lặng rồi.


Đã thành nhựa sống cho đời


Để cho cây đạo đâm chòi nảy hoa


Vinh quang bách họ tạo ra


Người còn tưởng nhớ người xa ân tình”


Tôi ước ao đội quân binh hùng tướng mạnh ấy vẫn là binh hùng, ngọn lửa chiến tranh  ấy vẫn là lửa thiêng. Cho nên đi đâu tôi cũng chỉ cầu xin Việt Nam sáng đạo. Và trong dân có đạo để dân tộc chúng ta hưng đạo. Và tôi vô cùng thấm thía những khi tiếp nhận được những thông tin từ cụ Trần Hưng Đạo. Cụ nói: “Con ơi! Ta yêu cái dân tộc này. Cho nên ngay cả khi ta về với gió, với mây, ta vẫn để lại một cái hiệu mà không biết bao nhiêu người hiểu được lòng ta: là Trần – Hưng – Đạo. Một nguyện ước thật là chân chính, giản đơn mà trong sáng vô cùng. Một con người bằng xương bằng thịt. Một vị thánh nhân và ngài đã thành bật tử.


Cho nên sẽ phải có cách hoá giải. Tôi cho rằng, những người dễ tính khi thác, họ về luôn với gió núi mây trời. Chỉ những người khó tính khi mất mới đòi tìm mộ. Người ta chấp, hận thì bắt phải tìm. Cho nên xin các ngài đại xá cho, cụ nào thiêng thì xếp vào loại khó tính. Có những gia đình đến đây, tôi có thể dự báo, không nên đi tìm. Vì người trong gia đình đó đã hết duyên, chẳng nợ, đừng đi tìm nữa. Nhưng có người ốp hẳn vào anh chị em, con cháu trong nhà, dẫn đi tìm bằng được.


P.V: Là một trong những người có khả năng ngoại cảm đầu tiên ở Việt Nam, tại sao khi Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thành lập, bà lại không tham gia?


Bà Phan Oanh: Trước khi thành lập Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, các anh trong Ban giám đốc có đến mời tôi tham gia. Tôi nói với các anh ấy là: “Tôi luôn là người bạn tốt của các anh. Còn các nhà ngoại cảm, họ là những bậc thầy, xin các anh cứ rước họ vào. Tôi chỉ là bạn của các anh và lúc nào cũng xin sẵn lòng chia sẻ và đàm đạo”.


Có lần, tôi nói với anh Chu Phác (Thiếu tướng Chu Phác, chủ nhiệm Bộ môn cận tâm lý) rằng : “Anh Phác ơi! Trời sinh anh làm tướng, trời lại khai mở cho ông tướng có duyên tâm linh thì anh phải làm các việc lớn hơn những công việc đi tìm hiểu “mấy con ma”. Vì xin lỗi! Gọi hồn có hàng ngàn năm nay rồi, trong khi chúng ta còn quá nhiều những việc lớn phải làm. Ngay từ ngày đầu, tôi đã nói với anh Ngô Đạt Tam (Giám đốc Trung tâm): “Khi các anh thành lập một trung tâm nghiên cứu tiềm năng lớn như thế này, thì việc số một các anh có thể giúp được dân tộc này là nhân danh làm khoa học, các anh tìm hiểu và hiệu triệu đủ cho tôi 10 nhà phong thuỷ. 5 người giỏi bằng sách, 5 người giỏi bằng duyên trời để giúp dân tộc này bước vào thời kỳ phục hưng dựng nước. Chúng ta phải rà soát lại toàn bộ phong thuỷ của Việt Nam. Đó là đất đai, sông núi. Chúng ta phải xem tất cả những đại huyệt ấy, đại huyệt nào tắc, huyệt nào bị yểm, huyệt nào chưa thông, bị phá, chỗ nào phải phục long, đảo long, khai long… Nhưng họ đã không làm được. Toàn mất thời gian đi xem gọi hồn gọi cốt, tìm mộ tìm mung. Tôi còn dặn thêm: Anh ơi! Mời các ông này để phục vụ sơn hà xã tắc nhưng phải mở ngoặc đơn, nói với các ông bà ấy đứng trong hậu trường. Chứ đừng đòi ngồi vào ghế Bộ chính trị. Có nhiều người lầm tưởng, tôi được nhà nước trọng dụng, nay mai được ngồi vào ghế này, ghế kia, thế là tự nhiên họ thành ra mặc cả. Đã âm thì phải ẩn, đã dương thì được hiện. Đó là luật. Tiếc rằng, bây giờ không ai hiểu luật. Họ quay sang pháp quyền. Đạo có 2 phần luật và pháp. Bây giờ người ta thiên về pháp, thích quyền năng. Còn luật chính là ánh đuốc để soi đường thì người ta lãng quên. Ngay cả tu phật cũng vậy. Người ta cũng thích pháp quyền hơn. Chứ còn cái giáo lý để giúp cái tâm đạt đến thông giác ngộ thì lại quá ít.


P.V: Không tham gia Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, vậy bà đứng ở vị trí nào trên bàn cờ tâm linh Việt Nam?


Bà Phan Oanh: Chức năng của tôi mà tôi thu nhận từ người Mẹ thiên nhiên là: Mãi mãi con chỉ là một con tốt vô danh làm công việc dẫn đường, một công việc thật tầm thường nhưng rất khó. Người dẫn đường phải hiểu rõ trước mặt mình là vực thẳm hay núi cao, bên cạnh mình là hổ phục hay rắn leo. Con dẫn đường lạc đạo cho bách gia trăm họ, con đắc tội với trời. Con dẫn đúng đường, con được công được đức. Con khắc cốt ghi xương điều này. Sống, tu cho ra trò. Chết hãy ra thầy. Ngần ấy từ là toàn bộ ván cờ của tôi. Các ngài đã bày cờ rồi. Đã tiểu tốt lại vô danh thì có nghĩa trên bàn cờ tôi không có chỗ nào đứng cả. Có một nhà ngoại cảm trong Sài Gòn 3 lần hỏi tôi: Chị Oanh ơi! Chị có sứ mệnh bày cờ không?”. Tôi bảo: “Không”. “Chị có chỗ đứng trên bàn cờ không?”. Tôi bảo:  “Càng không có”. Các bạn đi trên đường đạo, có thể đến ngã 3, ngã 5, có thể đến lối rẽ, các bạn có thể dừng một nhịp. Nếu Oanh có duyên thì chúng ta gặp nhau. Và chức năng của Oanh là chỉ đường. Và khi Oanh chỉ đường, mời các bạn cứ việc đi. Và nếu như đến cái chỗ bày cờ, các bạn ngồi vào vị thế, Oanh không có chỗ ngồi trên bàn cờ. Và không có trên bàn cờ thì người chỉ đường mới có một chút giá trị. Chứ tôi vừa chỉ đường xong, rồi bảo bây giờ các anh ngồi vào đây nhớ, còn chỗ này là của tôi nhớ thì chả còn là Oanh nữa rồi.


P.V: 25 năm làm tâm linh, điều gì khiến bà đau đáu, trăn trở nhiều nhất?


Bà Phan Oanh: Điều khiến tôi xót xa là nhà nước Việt Nam thả nổi mảng này. Chả có ai hướng dẫn. Biết bao người có duyên vì không có người hướng dẫn mà họ đi lạc đạo, biến luôn Phật thánh thành hàng hoá. Có một chị làm công việc tôn giáo của sở văn hoá Hà Nội đến gặp tôi để đàm đạo. Tôi có hỏi một câu: “Hỏi thật em nhé. Nhân danh em làm văn hoá, phụ trách tôn giáo của thủ đô, đã bao giờ em tập hợp tất cả những bà đồng cao thủ của Hà Nội để nghe người ta nói về đaọ thánh chưa em?”. Cô ấy đáp: “Em chưa làm”. Tôi bảo: “Thế bây giờ bản thân em quản lý về tôn giáo mà không nghe người ta nói thì làm sao hiểu được. Không hiểu mà lại đề ra phương án, hướng dẫn người ta thì càng thật là vô duyên. Cứ mời người ta đến theo tinh thần học hỏi. Các ông bà cứ nói thoả mái những cảm nhận của mình về đạo mẫu, đạo bản địa của Việt Nam. Và chúng tôi, nhân danh những người quản lý của nhà nước,  xin chân thành cầu thị học hỏi để  xem, để thấy sức mạnh của đạo Mẫu. Và các vị có thể hiến kế làm thế nào để đưa đạo Mẫu thật trật tự. Và cuối cùng là giữ được cái cốt cách thanh cao, những giá trị rất quý của đạo Mẫu”. Thế nhưng cô quản lý tôn giáo ấy đã không làm. Chỉ làm một việc này: “Xem ông này có khả năng tâm linh, ngoại cảm, có đơn vị, cá nhân nào tài trợ không? Có làm gì ảnh hưởng đến chính trị, an ninh của sơn hà xã tắc không? Có tổ chức phản động nào núp sau không? Nếu không thì thôi. Chấm hết. Tôi cũng từng được người ta xem như vậy.


Nếu nhìn đủ một vòng tròn, chúng ta sẽ nhìn được giá trị của các bậc thầy đó. Họ là con tốt, con mã, con xe, pháo trên bàn cờ thì ta vẫn trân trọng. Nếu tôi là nhà nước, tôi phải xếp như thế nào để họ có chỗ đứng. Và phải hướng dẫn như thế nào để trăm họ đừng lạc đường, cứ chớm một tý lại đến thầy bói để hỏi. Khi chơi cờ mà anh không đủ trí tuệ đánh là anh bí cờ. Bí cờ mà đi hỏi là đánh cờ rất dốt. Cho nên cái việc đạo, nó chứa đựng những công việc như thế. Chứ việc đạo không phải là việc xem tướng, xem số, gọi hồn, cầu cúng, tế lễ, giải hạn, ngồi đồng… Đó chỉ là phương pháp thôi. Mà trong cái bầu hồ lô này có hàng tỷ pháp. Lúc nào cần, am hiểu, anh sẽ nhờ pháp ấy, đó là kẻ thông minh. Chứ nếu không nó nhiễu loạn sẽ vô cùng khó cho mọi người.


P.V: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thú vị này!


H.A.S

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2009

Bài ca sự sống - NQT

Khi sự sống không còn bao nhiêu nữa
Em thân yêu anh đến với em đây
Lòng ân hận mặt trời sắp tắt
Em mới về gieo hạt giống trên tay
Nhưng em ạ xưa nay hạt giống
Vốn sinh sôi nảy nở trong đêm
Nên em gắng đường buồn vì anh nhé
Nếu đời anh khép lại ở nơi em.

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

Cá không ăn muối cá ươn

Dư âm của đợt đi Vũng xình là về bị nhiễm lạnh, húng hắng ho, có đàm đặc. Vì không đau họng và ho không tức ngực nên mình cứ lì ra, chả chịu uống thuốc. Lì  mãi cả nửa tháng rồi nên không lì được nữa mới ra tiệm thuốc tây mô tả triệu chứng cho mấy em dược tá bán thuốc, đi khám bác sĩ là mất toi 2 tiếng đồng hồ chứ ít à.



Ngắm biển đêm



bố Cám ( chắp tay sau đít ): " Cám! khuya lắm rồi, về phòng đi không nhiễm lạnh đấy!"


Cám: " nhưng vọc nước khoái lắm bố ạ"


 

Trước biển - Vũ Quần Phương


Biết nói gì trước biển em ơi!
Trước cái xa xanh thanh khiết không lời
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn của nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời

Chân trời kia biển mãi gọi người đi
Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng
Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lặn mù tăm
Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng
Bay trên biển như bồ câu trên đất
Biển dư sức và người không biết mệt
Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa
Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi

Em ơi em biển sâu rộng nhường kia
Ai biết được tự nơi nào biển mặn
Ơi hạt muối mang cho đời vị mặn
Tự bao giờ biển đã biết thương ta

Anh lặng im trên bãi cát như mơ
Trưa cô độc mặt trời lên chót đỉnh
Chỉ còn anh với nghìn trùng sóng đánh
Với nghìn trùng sâu lắng thương em
Chiều nay thôi khi nước thủy triều lên
Biển lại xóa dấu chân anh trên cát
Đời thay đổi những vui buồn sẽ khác
Vui buồn nào chẳng đậm lẽ thương nhau

Đến bao giờ anh được đứng cùng em
Trước biển lớn cuộc đời thương cảm ấy
Đêm gió trở mấy lần con sóng dậy
Chân trời nào đang có cánh buồm đi?

Ôi cuộc đời sâu rộng nhường kia
Sâu như biển, rộng như triều tít tắp
Vị biển mặn đến quá chừng mặn chát
Hạt muối đời hai đứa cắn chung nhau
Anh hiểu sao con sóng sớm bạc đầu

Anh hiểu sao chúng ta lại yêu nhau
Biển rộng quá, biển cần trời, cần đất
Bờ dẫu xa, bờ còn là có thật
Biển không cùng biển vẫn đỡ hơn anh
Trưa biển này anh chỉ nắm tay anh

Sóng bạc đầu biển vẫn mãi tươi xanh
Khi ta hết cuộc đời kia vẫn thế
Cái lúc ta chẳng được chờ nhau nữa
Gió vẫn vào thầm thĩ lá thông non
Dưới bãi xa con sóng vẫn bồn chồn
Vẫn chờ đợi một cái gì chưa tới
Mặt trời lên những chân trời lại mới
Những chân trời mờ ảo thuở ngày thơ...

Những cánh buồm lại rẽ sóng ra đi
Gió còn trẻ và buồm đang khao khát
Thuyền quăng lưới như đàn chim tha rác
Mặt biển bằng vui như mái nhà ta
Biết nói gì trước biển quá bao la
Trước tất cả những điều đơn giản thế
Anh đứng lặng nghe ngấm vào chất bể
Tiếng sóng dào trên một bãi dương xa...

Chúc mừng bác Phú IT

Khi bác vào VICT mình đã mang bầu Thỏ sắp đến ngày sinh. Thấm thoắt đã bảy năm, tuy không làm chung phòng nhưng hai anh em cũng hay buôn chuyện. Bác người Huế nên mỗi lần buôn chuyện là mình phải lắng tai nghe dữ lắm mới hiểu bác nói gì. Cuộc đời người đàn ông có hai việc lớn là lấy vợ và xây nhà, thánng 12 này bác đã hoàn thành một việc là lấy vợ, việc còn lại sẽ được tiến hành trong một hai năm tới.



Chú rể cọp và cô dâu rắn



Em Lành thỏ thẻ xin phép cô dâu cho ôm nhờ hoa cưới lấy tí vía mau mắn lấy chồng,


còn LA xin phép cô dâu cho khoác vai chú rể, hehehe.

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Khi người ta cứng tuổi

Lại đặt title giống giống chị Phan Thị Vàng Anh một tẹo

 ( cafe suada nhỉ?).


Mùng 1 tháng 10 âm lịch, còn 2 tháng tròn nữa là đến tết cổ truyền.


Mẹ và Bông về nhà đã 5 rưỡi chiều. Bố bận công việc, chị Thỏ đi học thêm. Gần 19h bố rước chị về luôn thể. "Nào! Bông tự chơi cho mẹ cơm nước nhé", ngặt nỗi hôm nay đối diện nhà mình có cái đám ma, kèn trống tùng phèng to ơi là to làm Bông cứ quẩn chân mẹ và nói :" mẹ ơi, Bông chợ ( sợ )" làm mẹ không làm nhanh được. Nấu xong cũng đã là 6 rưỡi tối, hai mẹ con đi siêu thị mua trái về cây cúng. Rồi Thỏ và bố cùng về, Thỏ tắm gội xong ăn cơm, mẹ xúc Bông ăn. Bố tranh thủ ăn trước mẹ. Thỏ: " mẹ ơi con ngán quá con không ăn nữa đâu". Nhìn tô cơm còn một nửa, mẹ biết mẹ phải xúc cho Thỏ ăn nốt. Quần áo còn nguyên từ lúc đi làm về mẹ ăn vội lưng cơm rồi mới đi tắm ( chẳng có thời gian cho xuôi cơm, nhờ trời mấy năm nay đều như vậy chả thấy đau bao tử gì hết ). Chưa hết, bố phải chạy đi ra ngoài có tí việc, tí việc đó xong cũng là  tám rưỡi tối. Bố về tới nhà thì bố mẹ cự nhau ( chả phải lỗi tại ai, tại cuộc sống nhiều lo toan và mệt mỏi ), cách nay hai năm thì chuyện cự này thế nào cũng to tiếng và trong lòng mẹ thế nào cũng ấm ức, hôm nay thì không, mẹ bình tĩnh, thản nhiên đến chính mẹ cũng ngạc nhiên. Lúc này điều mẹ quan tâm hàng đầu là ôn thêm cho Thỏ một chút kiến thức để mai Thỏ thi ( Tiếng Việt ). Ba bố con vô phòng ngủ lúc 21h30. Mẹ gọi điện thoại cho bà ngoại. Có vẻ trong bốn chị em, mẹ và bà hợp nhau nhất. Nói chuyện vu vơ với bà 5 phút, mẹ nhìn đống chén bát nồi niêu trên bàn bếp mà không hề thấy bực bội chút nào, mẹ bắt tay vào rửa ráy lau chùi kệ bếp sàn nhà, vừa làm vừa hát nhỏ nhỏ mặc dù cũng thấy hơi buồn ngủ.


Lại nói về sự hát, mẹ cũng chẳng thích hát lắm nhưng ở đám ma hàng xóm chiều qua, dàn nhạc tây chơi bài "Vì đó là em" lúc đó mẹ đang nấu cơm chiều tự dưng mẹ hát ( vô thức ) theo nhạc, thế là bố lườm mẹ và la: " vô duyên, người ta chết chả buồn thì thôi lại còn hát theo nhạc ). Mẹ ngẩn mặt ra ( hơi quê ). Rồi nghĩ, mình có vô tâm khi mình không buồn không nhỉ? Đâu có, khi biết tin bác ấy mất ( mặc dù bây giờ dám cá là mẹ chỉ hơi nhớ mặt bác ấy thôi ) mẹ cũng hơi buồn đấy chứ. Năm nay bác ấy 53 tuổi, vợ bác cũng tầm đó, hai con của bác lớn hết rồi, 1 chị đi làm, 1 anh học đại học. Bác mất đột ngột vì bị đột quỵ, tức là không phải ốm đau hay tai nạn gì hết, một cái chết cũng nhẹ nhàng. Không như bố bạn Ty và Gấu ( chồng cô Khánh bạn mẹ ). Chú mất sau một thời gian khá dài lâm trọng bệnh, chú mất khi chú mới 37 tuổi và bạn Ty và Gấu thì còn quá nhỏ ( 6 tuổi và 2 tuổi). Mẹ cũng đã rất buồn trước tình cảnh mẹ con nhà cô ấy.


Phải chăng  khi người ta cứng tuổi, cách người ta giải quyết xung đột cũng khác và quan niệm về một kiếp nhân sinh cũng khác khi người ta trẻ.

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

Cuối năm

Thời tiết SG cuối năm thật khó chịu. Sáng lạnh, trưa nóng, tối lạnh làm Thỏ Bông nóng lạnh theo thời tiết luôn. Thỏ sắp thi học kỳ, không được phép ốm. Bông mà ốm thì cũng quấy khóc, gây gổ làm mẹ không dạy Thỏ học bài được. Ở riêng ( không sống cùng ông bà ) cũng nhiều cái hay và lắm cái dở. Cuối năm cả hai vợ chồng bận rộn, cả công việc lẫn tiếp khách ( ăn nhậu ). Tự động viên mình "cố lên, sắp Noel rồi, 22/12 Thỏ thi xong cả nhà đi ngắm phố phường và chụp hình".

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Bông hai tuổi

SN Bông đúng 20/11 tuy vào ngày thường mọi người vẫn phải đi làm nhưng tối bà ngoại được nghỉ nên mọi người quyết định làm đúng ngày. Bác Vân lên nhà Bông nấu nấu nướng nướng từ sáng để mọi người yên tâm công tác, chiều về chỉ việc nhậu. Yêu bác Vân quá Bông hén

.



Bông và bạn Teddy



Bông và anh Bin ( miệng anh Bin vẫn ngậm cơm chưa thèm nuốt, hic)

Gia đình nhà Cám


mẹ Cám



bố Cám



và Cám

Nhan sắc cảng VICT


Ms Hiền với Mrs World



Chi - Hiền



Song Hà với Multi - color



Người đẹp U50 bên xe hơi



Em Thắm ôm gốc dừa. Hehehe



Thiếu nữ bên hoa Trâm Ổi


(Cám ơn M.Thu đã cho Thobong xài chùa loạt ảnh Vũng Xình lần này

)

Đồng nghiệp

Hơn 10 năm làm ở V công đoàn mới tổ chức cho anh chị em đi chơi  lần đầu tiên. Vui. Vũng xình thì chả ai lạ gì nhưng cái chính mọi người được một ngày "là mình", không vướng bận công việc, gia đình và con cái.



ở tại KS Sammy



Nào mình cùng lên xe buýt, nào mình cùng đí chơi nhé



Một cảm giác rất Yomost



Thi nhảy cao. Hehhe



Gia đình Control Room và em Bonuer Trinh.


Khoái em Trinh vì ẻm đi chơi ẻm quậy hết mình