Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Bông lở miệng

chiều 22/ 03/2010


Mẹ đón Bông từ nhà bà Năm về, bà Năm lo lắng thông báo với mẹ :" chiều nay bé sốt, tui phải cho bé uống 1 liều hạ sốt, giờ bé mới chịu chơi.". Về nhà cơm nước xong xuôi bố và chị Thỏ vẫn chưa về hai mẹ con đi khám ở TTYT Q4 cho gần nhà. Bác sỹ nghe ngóng tim phổi rồi khám họng, bác phán :" nướu cháu sưng lắm, chắc đang mọc răng hàm, viêm họng sơ sơ  " rồi bác kê toa viêm họng, thêm vitamin PP. Lúc này miệng Bông nhiễu dãi, không nhiều lắm nên mẹ đinh ninh là sốt mọc răng và viêm họng sơ sơ như lời bác sỹ TTYT Q4 phán.


Nguyên ngày 23/03/2010 Bông vẫn vậy, vẫn sốt lai rai. Mẹ nghĩ không sao chắc mai hết sốt là đi học được thôi, còn vụ viêm họng mẹ có thể gửi thuốc bà Năm cho Bông uống. Chiều 23 mẹ cho Bông đi tái khám ở TTYT Q4, bác sỹ hôm qua khám, bác nói bé sắp khỏi. Hai mẹ con về nhà đợi răng mọc sẽ hết sốt.


24/03/2010


Bông có biểu hiện mệt nhiều hơn hôm qua, sốt nhiều hơn, nước dãi chảy nhiều hơn. Mẹ dụ Bông há miệng  ra xem xét thấy có vài cái mụn bé bé ở trong môi. Mẹ đếm răng, hàm dưới: 1, 2, 3 .... 10, hàm trên cũng vậy

 . Vậy là Bông sốt không phải do mọc răng. 20 răng là đủ chỉ tiêu rồi mà. Mẹ hoang mang và lo lắng, gần như ngay lập tức mẹ quyết định cho Bông đi khám ở BV Nhi Đồng 2. Không tin bác sỹ tuyến quận, lên thẳng thàng phố cho chắc.


Đến BV NĐ2 ở quầy lấy số mẹ khai cháu bị "viêm họng, sốt". Ông bác sỹ khám cho Bông có vẻ là chuyên khoa thần kinh thì đúng hơn vì thấy các bệnh nhân khám trước hầu hết là sốt gây co giật, có vẻ như toàn bệnh nhân bị động kinh, thời tiết nắng nóng nên bệnh dễ bùng phát. Mẹ định quay lại phòng lấy số khiếu nại nhưng thấy ông bác sỹ này khám khá tốt, thấy yên tâm. Bác sỹ cho Bông  đi làm xét nghiệm, chụp X Quang phổi và test máu. Khi có kết quả bác phán Bông bị viêm phế quản. Mẹ chỉ cho bác mấy nốt nhiệt trong miệng Bông bác gật gù kê thêm thuốc bổ. Mẹ nhớ rất rõ tháng 12/2008 Bông cũng bị nhiệt miệng và viêm phế quản như thế này. Lần đó bác sỹ kê cho thuốc thoa Zytee dạng gel. Mẹ về tìm lại toa cũ mua thuốc thoa miệng cho Bông.


Khi uống theo toa bác sĩ nhi đồng thì hai ngày sau Bông hết sốt, bệnh viêm phế quản có vẻ bớt dần dần nhưng cái miệng thì quá tệ, ngày càng nặng thêm. Một ngày Bông chỉ uống 300-400ml sữa, không chịu cơm cháo gì.


Chiều thứ 7, 27/03/2010 mẹ cho Bông đi tái khám ở BV Nhi đồng 2. Bà bác sỹ khám xong phán nhà chị ở đâu, có thể cháu phải nhập viện. Mẹ tái người vì lo lắng, giữa cái nóng gần 40 độ thế này mà nhập viện thì bệnh còn nặng hơn ở nhà. Mẹ hỏi về cái miệng của Bông phải chữa làm sao thì bả nói cứ về thoa thuốc cũ ( mẹ đã nói rõ mẹ thoa Zytee 4 ngày rồi mà không thấy đỡ, càng ngày càng nặng hơn. Lần trước Bông thoa thuốc này 2 ngày là khỏi ) rồi bả kê toa 1 ngày cho bệnh viêm phế quản, hẹn chiều mai ( chủ nhật ) tái khám ( lại nhấn mạnh có thể phải nhập viện ).


Mẹ ra khỏi phòng khám, sau vài phút lo lắng hoang mang mẹ bình tĩnh phân tích tình hình. Ngày xưa mẹ nuôi chị Thỏ, Thỏ là chuyên gia viêm phế quản nên mẹ rất có kinh nghiệm . Có những lúc Thỏ Viêm phế quản còn nặng hơn Bông bây giờ mà chẳng lần nào bị hăm là nhập viện. Mẹ thấy rõ ràng bệnh viêm phế quản của Bông đang đỡ dần dần, vấn đề nghiêm trọng là lở loét miệng mà họ chẳng kê toa. Bông lở miệng không ăn, chỉ uống sữa cầm hơi, lại bị uống kháng sinh chữa viêm phế quản, kháng sinh thì nóng nên lở loét miệng lưỡi càng nghiêm trọng. Vậy mà không bác sỹ nào kê toa cho bé, mặc dù mẹ có hỏi chứ có phải không đâu, chỉ cho vài cái thuốc bổ qua loa. Họ không rành thì cũng phải tư vấn là cho bé đi khám ở đâu chứ

.


Lần này mẹ cầu viện đến Tiến sĩ bác sĩ hẳn hoi nhá. Mẹ gọi điện cho bác Tuyết , bác nói miệng loét nhiều thì phải uống thuốc, thoa không thì không thể nào hết được. Mẹ goodbye ngay cái toa bà bác sĩ nhi đồng 2 mới kê, coi như đánh rơi 50k ( tiền khám để bả kê cho 1 cái toa viêm phế quản 1 ngày + lời tư vấn "con chị có thể phải nhập viện"

 ). Từ BV Nhi đồng Mẹ cho Bông đến nhà bác Tuyết khám lại. Bác nói: "viêm phế quản đỡ nhiều rồi, không sao hết, còn cái miệng bác cho thuốc uống, mẹ bé yên tâm 24 tiếng sau khi uống thuốc sẽ có tác dụng bé sẽ đỡ từ từ. Bác cho 4 ngày thuốc là bé hết cả hai bệnh, nếu không hết hay có gì cứ gọi điện cho bác, bác chỉnh thuốc."


Mình biết ơn và yêu quý 2 bác sỹ đều tên Nguyễn Ánh Tuyết. Một bác là bác sỹ sản, bác đỡ đẻ cho mình cả Bông và Thỏ. Một bác sĩ chuyên khoa nhi. Nuôi Thỏ, Bông khi nào rối trí và cấp bách là cầu viện đến bác là yên tâm lắm. Mỗi tội phòng mạch nhà bác xa quá ( quận Thủ Đức ), còn ở Bệnh Viện Nhân Dân Gia Định thì bác làm công tác quản lý và bác đi dạy ở trường đại học Y nữa nên ít khi gặp được bác.


 

Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

Thỏ, Bông thi nhau ... sốt

Ôi chao là hai cô con gái của mình, hai nàng thi nhau sốt, hic.


Sáng mùng 1 tết Ta lên đường đi Đà Lạ thì ngày 30 và đêm 30 Thỏ lăn ra sốt, cứ tường là bố và Thỏ phải ở lại đi sau, thế rồi cuối cùng 5h sáng mùng 1 Thỏ hết sốt và cả nhà lại lên đường như kế hoạch. Vài hôm sau trên đường từ Đà Lạt xuống Cam Ranh, đến lượt Bông sốt.


Thứ 3 tuần trước Thỏ sốt lai rai nguyên tuần,  phải đúng tuần thi giữa học kỳ 2 nên Thỏ vẫn phải ráng đi thi. Đầu tuần này Thỏ khỏe thì đến lượt Bông, Bông sốt vì mọc răng hàm và viêm họng , mà cái thời tiết chết tiệt này, gần 4 chục độ, nắng nóng như thế thì ai mà không muốn bệnh cơ chứ. Mong cho tháng nắng nóng qua mau mau ....

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Miếu Bà Chúa Xứ


Miếu Bà


Vậy là cuối cùng chuyến hành hương đến Miếu Bà Chúa Xứ của ba mẹ con cũng thành công tốt đẹp, Bà độ cho đi đến nơi về đến chốn mau mắn. Nghĩ lại mới thấy Phỗng và bà ngoại khỏe hơn Hằng. Xuất phát từ nhà là 3h chiều, 6h sáng hôm sau đã lại có mặt ở nhà, Phỗng vẫn đi làm, bà ngoại vẫn tiếp tục một ngày bình thường còn Hằng phải ngủ bù cho lại sức.


Ấn tượng nhất trong chuyến đi là bác tài xế xe Mai Linh "quảng bá"  về cánh xe ôm bến xe Châu Đốc, họ hiện lên dưới lời văn mô tả của bác là dân anh chị, du côn, giang hồ thứ thiệt. Bác giới thiệu bác là người dân địa phương ở đó luôn vậy mà khi mô tả giọng bác đầy uất ức ( một lần bác suýt bị cánh xe ôm đánh hội đồng ) và chán nản ( tại sao chính quyền địa phương không dẹp nổi bọn du côn du cán ấy )

. Khi vào đến bến xe Châu Đốc, xe vừa dừng lại là cánh xe ôm ùa vào tiếp cận con mồi, mọi người vừa được bác tài cảnh báo nên ai nấy làm mặt  lạnh, nhưng thực tế trong bụng đánh lô tô  vì ai cũng sợ đến nỗi không dám nhìn mấy chú xe ôm, không dám nhìn ngó khung cảnh xung quanh, cắm cổ đi một mạch vào phòng chờ xe Mai Linh để lên xe trung chuyển đi tiếp 7km  vào Miếu BÀ. Lúc đầu 3 mẹ con định lễ Bà xong thì đi thăm quan nhìn ngó xung quanh một tiếng nhưng sau khi nghe bác tài hù sợ quá nhất định lễ Bà xong là xin phép Bà con " ngược " ngay. Nghĩ lại thế cũng hay vì chuyến về ,đến bến xe Miền Tây mới 5h45, bắt chuyến xe bus đầu tiên trong ngày, 20 phút sau đã có mặt ở bến xe Bến Thành, mát mẻ, không kẹt xe.


Trên chuyến xe trung chuyển từ Miếu Bà ra bến xe Châu Đốc để về SG, bác tài này có đôi lời xóa bớt ấn tượng xấu trong lòng mọi người về cánh xe ôm bến xe Châu Đốc. Bác chở mọi người đi qua đường gì đó ở thị xã Châu Đốc, mình thấy đẹp như một khúc đường Trần Phú ở Vũng Tàu, mặt lộ song song với mặt nước, cò bờ kè chắc chắn và ánh sáng đèn đường dìu dìu, vì đi giữa đêm nên mình không được ngắm nhìn đầy đủ cảnh vật xung quanh.


Nói chung loại bỏ yếu tố " xe ôm " mình thấy Châu Đốc cũng là một địa danh nên đi nếu có điều kiện. Ở đó ngoài miếu Bà chúa Xứ còn nhiều thứ để người ta có thể thăm thú như núi Sam, kênh Vĩnh Tế, chùa Hang, lăng Thoại Ngọc Hầu ( một danh tướng triều Nguyễn, người có công khai phá vùng biên giới hoang vu và xây dựng nhiều công trình có giá trị cao: hai kinh Vĩnh Tế và Thoại Hà ...) , chợ Biên giới Tịnh Biên...

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Thời đại nào ký ức nấy

Thời đại nào, ký ức nấy











 


 


Kiến trúc & Đời sống - Khi đặt những tấm post card của đường phố Sài Gòn 50 năm trước, hỏi chàng thanh niên 22 tuổi con mình: “Hãy nói nhanh, con ghi nhận điều gì?” Câu trả lời là chiếc xe Velo Solex và cô gái (hẳn nếu còn sống đã thành bà cụ) với chiếc áo dài khác xa áo dài hôm nay, “Xe gì lạ thế, áo dài ngộ nhỉ!”. Và đường phố, nhà cửa, vỉa hè và những vòm me. Chẳng giống Sài Gòn bây giờ tí nào! Đấy là nhận định tiếp theo của chàng trẻ tuổi thế hệ ta thường gọi là 8X. Tất nhiên! Đã hơn nửa thế kỷ rồi còn gì, một người đang nhìn lại cảnh quan Sài Gòn bằng ký ức nghĩa là nhìn lại sau lưng. Một người đang quan sát Sài Gòn bằng cái nhìn đương đại, thời đang lớn lên của mình.


Tôi có thói quen, cái thú riêng của mình là thích nhìn ngắm những cái gì đã cũ, đã cổ (nói vui, tất nhiên trừ… bà vợ). Phố cổ, nhà cổ, quán xá ngày xưa một thời đã qua luôn mang theo cảm giác bồi hồi. Tôi vẫn thích những vỉa hè đá lát của Sài Gòn. Những viên đá xanh vuông vắn đặt cạnh nhau, chừa một rãnh rất nhỏ đủ cho ngọn cỏ hay một nhành hoa dại bất ngờ mọc lên. Hay những vỉa hè ximăng mà thời gian đã phủ lên ấy những mảng rêu xanh ẩm ướt vào mùa mưa, nâu khô vào mùa nắng. Có gì đâu, đấy chính là những hè phố thuở bé mẹ đã dắt tay đi, hay là những vỉa hè của con đường buổi trốn học lê la phố này phố khác tìm ném những chùm me chua tít tận trên cao. Những hàng me đã lấy của chú học trò bao nhiêu là đôi dép khi ném me. Me không rơi mà dép cũng… không trở lại, bao nhiêu lần đầu trần chân đất về nhà. Những vỉa hè Sài Gòn ấy, ký ức của một đời người. Còn nữa, đấy là những biệt thự kiểu Pháp yên tĩnh ẩn mình trên con đường vắng, sau cánh cổng im lìm dưới tàn lá đầy hoa tím của một cây khế cổ thụ toả bóng trước sân. Xem lại một hình ảnh cũ nghĩa là ta đang để ký ức dẫn ta đi, ký ức đôi khi trêu chọc ta rằng “Cái anh yêu, cái anh thích nay không còn nữa đâu…”. Thế rồi ta thở dài, ta hậm hực, có khi ta… nổi cáu, nhưng thời gian có bao giờ ngơi nghỉ, ruộng lúa còn trở thành nương dâu huống chi đời người đi qua, đời phố cũng đi qua…



Như chàng trai trẻ hôm nay đang yêu những đại lộ rực sáng những mùa Noel, những ngày lễ tết. Ký ức của ta là chợ hoa Nguyễn Huệ, ký ức của thế hệ hôm nay rồi sẽ là đường hoa, vậy thôi. Họ yêu những con đường lêu nghêu cao ốc hay sẽ nhớ những vỉa hè tan nát vì đào xới, kẹt xe, lôcốt ngột ngạt khói bụi mà sau này cũng sẽ thành một phần ký ức đời sống của mình. Nhân nói về cái ngổn ngang đang làm mệt phờ một đô thị lớn như TP.HCM, tôi muốn nhấn mạnh rằng không tôn trọng giao thông là không tôn trọng luật pháp, là phạm luật. Nhưng cậu bé dắt tay đưa một bà cụ, ông cụ qua đường mà ta học trong Quốc văn giáo khoa thư khi còn đi học, nó là hành vi đạo đức cần có, nó không phải luật đi đường.



Có khi tôi giận dỗi những người bạn kiến trúc sư quen biết. Tôi đổ lỗi cho họ những cái lỗi mà chính họ cũng… thở than như mình, đấy là vấn đề khác, phạm trù khác nó thuộc cái quản lý, cái quy hoạch đô thị mà họ không phải là người tham dự. Vậy ký ức của những kiến trúc sư hôm nay là gì? Một buổi tối ngồi cà phê với vài kiến trúc sư trẻ, cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề đô thị tương lai, khuynh hướng đương đại và thử hình dung ký ức của mình vài chục năm nữa. Có người nói ký ức của tương lai sẽ là những sân vườn họ đã thiết kế hôm nay, có người bảo sẽ là những toà cao ốc họ thiết kế hôm nay, có người sẽ là những penthouse tuyệt đẹp hôm nay trên tít tận tầng cao của một chung cư cao tầng nào đó… Nếu bây giờ ta không tìm cách bảo tồn những giá trị kiến trúc được coi là di sản thì trong cái ký ức của tương lai ấy sẽ không còn những con đường nho nhỏ đầy bóng mát của vòm me hay những biệt thự màu vôi cũ vàng của quá khứ. Tiếc thay! Nhưng thời đại nào – ký ức đó.



Nó phải như vậy thôi. Thế thì ta cứ việc bồi hồi ngồi giở lại những hình ảnh cũ thời mình, cứ tha hồ hồi tưởng những góc phố tuổi thơ của mình, cứ tự nhiên tiếc nuối những gì đã mất trong một phần đời tuổi trẻ của mình. Cuộc sống, thời đại sống không giống nhau, ký ức không giống nhau, ý niệm thẩm mỹ, cái đẹp cũng không giống nhau, nhưng ta cần hy vọng. Lại hình dung một người trẻ tuổi hôm nay 50 năm sau cũng đặt những bức hình thời đã sống của mình hỏi đứa con 18 tuổi: “Nói nhanh, con thấy gì và nghĩ gì?”.


bài: Đỗ Trung Quân