Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

Thời đại nào ký ức nấy

Thời đại nào, ký ức nấy











 


 


Kiến trúc & Đời sống - Khi đặt những tấm post card của đường phố Sài Gòn 50 năm trước, hỏi chàng thanh niên 22 tuổi con mình: “Hãy nói nhanh, con ghi nhận điều gì?” Câu trả lời là chiếc xe Velo Solex và cô gái (hẳn nếu còn sống đã thành bà cụ) với chiếc áo dài khác xa áo dài hôm nay, “Xe gì lạ thế, áo dài ngộ nhỉ!”. Và đường phố, nhà cửa, vỉa hè và những vòm me. Chẳng giống Sài Gòn bây giờ tí nào! Đấy là nhận định tiếp theo của chàng trẻ tuổi thế hệ ta thường gọi là 8X. Tất nhiên! Đã hơn nửa thế kỷ rồi còn gì, một người đang nhìn lại cảnh quan Sài Gòn bằng ký ức nghĩa là nhìn lại sau lưng. Một người đang quan sát Sài Gòn bằng cái nhìn đương đại, thời đang lớn lên của mình.


Tôi có thói quen, cái thú riêng của mình là thích nhìn ngắm những cái gì đã cũ, đã cổ (nói vui, tất nhiên trừ… bà vợ). Phố cổ, nhà cổ, quán xá ngày xưa một thời đã qua luôn mang theo cảm giác bồi hồi. Tôi vẫn thích những vỉa hè đá lát của Sài Gòn. Những viên đá xanh vuông vắn đặt cạnh nhau, chừa một rãnh rất nhỏ đủ cho ngọn cỏ hay một nhành hoa dại bất ngờ mọc lên. Hay những vỉa hè ximăng mà thời gian đã phủ lên ấy những mảng rêu xanh ẩm ướt vào mùa mưa, nâu khô vào mùa nắng. Có gì đâu, đấy chính là những hè phố thuở bé mẹ đã dắt tay đi, hay là những vỉa hè của con đường buổi trốn học lê la phố này phố khác tìm ném những chùm me chua tít tận trên cao. Những hàng me đã lấy của chú học trò bao nhiêu là đôi dép khi ném me. Me không rơi mà dép cũng… không trở lại, bao nhiêu lần đầu trần chân đất về nhà. Những vỉa hè Sài Gòn ấy, ký ức của một đời người. Còn nữa, đấy là những biệt thự kiểu Pháp yên tĩnh ẩn mình trên con đường vắng, sau cánh cổng im lìm dưới tàn lá đầy hoa tím của một cây khế cổ thụ toả bóng trước sân. Xem lại một hình ảnh cũ nghĩa là ta đang để ký ức dẫn ta đi, ký ức đôi khi trêu chọc ta rằng “Cái anh yêu, cái anh thích nay không còn nữa đâu…”. Thế rồi ta thở dài, ta hậm hực, có khi ta… nổi cáu, nhưng thời gian có bao giờ ngơi nghỉ, ruộng lúa còn trở thành nương dâu huống chi đời người đi qua, đời phố cũng đi qua…



Như chàng trai trẻ hôm nay đang yêu những đại lộ rực sáng những mùa Noel, những ngày lễ tết. Ký ức của ta là chợ hoa Nguyễn Huệ, ký ức của thế hệ hôm nay rồi sẽ là đường hoa, vậy thôi. Họ yêu những con đường lêu nghêu cao ốc hay sẽ nhớ những vỉa hè tan nát vì đào xới, kẹt xe, lôcốt ngột ngạt khói bụi mà sau này cũng sẽ thành một phần ký ức đời sống của mình. Nhân nói về cái ngổn ngang đang làm mệt phờ một đô thị lớn như TP.HCM, tôi muốn nhấn mạnh rằng không tôn trọng giao thông là không tôn trọng luật pháp, là phạm luật. Nhưng cậu bé dắt tay đưa một bà cụ, ông cụ qua đường mà ta học trong Quốc văn giáo khoa thư khi còn đi học, nó là hành vi đạo đức cần có, nó không phải luật đi đường.



Có khi tôi giận dỗi những người bạn kiến trúc sư quen biết. Tôi đổ lỗi cho họ những cái lỗi mà chính họ cũng… thở than như mình, đấy là vấn đề khác, phạm trù khác nó thuộc cái quản lý, cái quy hoạch đô thị mà họ không phải là người tham dự. Vậy ký ức của những kiến trúc sư hôm nay là gì? Một buổi tối ngồi cà phê với vài kiến trúc sư trẻ, cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề đô thị tương lai, khuynh hướng đương đại và thử hình dung ký ức của mình vài chục năm nữa. Có người nói ký ức của tương lai sẽ là những sân vườn họ đã thiết kế hôm nay, có người bảo sẽ là những toà cao ốc họ thiết kế hôm nay, có người sẽ là những penthouse tuyệt đẹp hôm nay trên tít tận tầng cao của một chung cư cao tầng nào đó… Nếu bây giờ ta không tìm cách bảo tồn những giá trị kiến trúc được coi là di sản thì trong cái ký ức của tương lai ấy sẽ không còn những con đường nho nhỏ đầy bóng mát của vòm me hay những biệt thự màu vôi cũ vàng của quá khứ. Tiếc thay! Nhưng thời đại nào – ký ức đó.



Nó phải như vậy thôi. Thế thì ta cứ việc bồi hồi ngồi giở lại những hình ảnh cũ thời mình, cứ tha hồ hồi tưởng những góc phố tuổi thơ của mình, cứ tự nhiên tiếc nuối những gì đã mất trong một phần đời tuổi trẻ của mình. Cuộc sống, thời đại sống không giống nhau, ký ức không giống nhau, ý niệm thẩm mỹ, cái đẹp cũng không giống nhau, nhưng ta cần hy vọng. Lại hình dung một người trẻ tuổi hôm nay 50 năm sau cũng đặt những bức hình thời đã sống của mình hỏi đứa con 18 tuổi: “Nói nhanh, con thấy gì và nghĩ gì?”.


bài: Đỗ Trung Quân


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét