Khúc nhạc sầu trong giấc mộng hồng lâu
QUỲNH NHƯ
Những ai đêm đêm ngồi trước màn ảnh nhỏ truyền hình
vào cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90 chắc hẳn vẫn còn nhớ bộ phim
dài 36 tập Hồng Lâu Mộng của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.
Phim được sản xuất dựa trên tác phẩm Hồng Lâu Mộng của
Tào Tuyết Cần - một kiệt tác văn học và là một trong tứ đại danh tác của
văn học Trung Hoa.
Hồng Lâu Mộng là tác phẩm phản ánh hiện thực xã hội sâu sắc. Mượn câu
chuyện xảy ra trong một đại gia đình sống theo kiểu tam đại đồng đường
để phê phán thói xa hoa của tầng lớp thượng lưu trong xã hội phong kiến,
đồng thời cũng vạch trần sự suy tàn của xã hội phong kiến chuyên chế
mục ruỗng đang trên đà tan rã. Qua đó, phản ánh một cách sống động khát
vọng của con người trong cuộc sống và tình yêu.
Đi cùng với vẻ đẹp "xinh như mộng" của dàn tài tử trong phim là những
giai điệu đẹp đến mượt mà trong âm nhạc - những giai điệu làm mê đắm
lòng người.
Đi cùng với vẻ đẹp "xinh như mộng" của dàn tài tử trong phim là những
giai điệu đẹp đến mượt mà trong âm nhạc - những giai điệu làm mê đắm
lòng người.
Trải dài theo suốt chiều dài bộ phim là 13 bản nhạc, bài hát, khúc
ngâm ngân vang theo từng hoàn cảnh, tâm trạng nhân vật: Nhạc dạo đầu,
Hồng Lâu Mộng Dẫn Tử, Uổng Ngưng Mi, Hồng Đậu Khúc, Táng Hoa Ngâm, Đề
Mạt Tam Tuyệt, Thu Song Phong Vũ Tịch, Tình Văn Ca, Tử Lăng Châu Ca,
Thán Hương Lăng, Phân Cốt Nhục, Thông Minh Lụy, Bài ca về điều tốt.
Nỗi sầu tình duyên trong Hồng Đậu Khúc
Hồng Đậu Khúc là bài hát có ca từ đẹp như một bài thơ cổ, được phổ
nhạc từ thơ của Tào Tuyết Cần. Hình ảnh đậu đỏ trong văn hóa Trung Hoa
chỉ sự tương tư trong tình yêu nam nữ. Mượn hình ảnh đậu đỏ để lắp vào
tính trắc trở trong tình duyên giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc và một
sự sáng tạo tuyệt vời.
Hồng Đậu Khúc
Nhạc:Vương Lập Bình
Ca sĩ: Đặng Tự Lam
Lệ tương tư - đậu hồng rơi chẳng dứt
Chốn lầu hoa, liễu rủ cản tay người
Lòng chưa dứt mối sầu tân cổ
Mưa sa chiều muộn, giấc chẳng thành
Nuốt chẳng trôi cơm ngọc canh châu
Nhìn chẳng thấy nét gầy trong lăng kính
Giãn chẳng được đôi nét mày ưu
Ngóng lê minh, thao thức đêm trường
Như núi xanh, chập chùng che chẳng khuất
Tựa nước thẳm, vấn vương trôi chẳng ngừng.
Vấn vương chẳng ngừng...
Chuyện tình họ Giả và họ Lâm là một câu chuyện đẹp nhưng có một kết
cục buồn. Họ Giả và họ Lâm được ví như đá với cây, kiếp trước hòn đá nợ
cây và kiếp này cây nợ đá. Họ Giả từng nói: "Xương thịt con gái là nước
kết thành, xương thịt con trai là bùn kết thành. Tôi trông thấy con gái
thì tôi nhẹ nhàng, khoan khoái, trông thấy con trai thì như bị phải hơi
dơ bẩn vậy". Vì thế mà Bảo Ngọc luôn cảm thấy "nhẹ nhàng" khi ở bên Đại
Ngọc - nàng tiểu thư khuê cát có tâm hồn nhạy cảm như sương sớm và lúc
nào cũng u buồn như cành liễu mùa thu. Hai tâm hồn đồng điệu ấy luôn
muốn được sống bên nhau, như thể "tài tử giai nhân là nợ sẵn".
Nhưng có nợ mà chẳng có duyên, nhân duyên của họ đã không thành do
định mệnh đã được sắp đặt. Đậu đỏ bị ai đó bỏ rơi nghĩa là người đó đã
quên người yêu của mình. Khúc Đậu Hồng trở thành khúc ca não ruột. Họ
Lâm ngày ngày trông ngóng, đêm đêm nhớ mong. Tương tư để rồi ngã bệnh.
Khúc Đậu Hồng trở thành khúc nhạc bi ai.
Táng Hoa Ngâm được nhạc sĩ Vương Lập Bình ấp ủ, thai nghén suốt 1 năm
9 tháng trong tâm trạng hết sức khổ sở. Nếu như Uổng Ngưng Mi, Hồng Đậu
Khúc, Hồng Lâu Mộng Dẫn Tử,... nói về tình yêu song Ngọc thì Táng Hoa
Ngâm là sự thổn thức của một tâm hồn đầy nhạy cảm với những đổi thay của
tiết trời, của vạn vật xung quanh.
Tâm hồn nhạy cảm, yếu đuối đến mong manh và dễ vỡ ấy chính là nàng
Lâm Đại Ngọc. Một chiếc lá rơi cũng đủ làm nàng cám cảnh đến rơi nước
mắt, khóc thương cho chiếc lá lìa cành. Rồi đến một ngày, vào một thời
khắc không viên mãn, có hàng ngàn hàng vạn cánh hoa rơi...
Ba trăm sáu chục thoi đưa,
Gươm sương dao gió những chờ đâu đây.
Tốt tươi xuân được mấy ngày,
Chốc đà phiêu dạt, bèo mây thêm sầu.
Nở rồi lại rụng đi đâu,
Người chôn hoa những rầu rầu đòi cơn.
Cầm mai lệ lại ngầm tuôn,
Dây trên cành trụi hãy còn máu rơi...
Bài hát nghe thê lương như nỗi lòng sầu bi của nàng Lâm Đại Ngọc.
Tiếc thương cánh hoa rơi cũng là lúc nghĩ đến thân phận, cuộc đời mình.
Nỗi mặc cảm thân phận của kẻ ăn nhờ ở đậu lúc nào cũng đeo đẳng tâm hồn
yếu ớt. Nhặt từng cánh hoa rơi đem chôn chính là lúc nàng tự hỏi "sau
này ta chết ai là người chôn".
...Thân này muốn vẫy vùng đôi cánh,
Nơi chân trời liệng cánh hoa chơi!
Nào đâu là chỗ chân trời,
Nào đâu là chỗ có đồi chôn hoa?
Sẵn túi gấm đành ta nhặt lấy,
Chọn nơi cao che đậy hương tàn.
Thân kia trong sạch muôn vàn,
Đừng cho rơi xuống ngập tràn bùn nhơ.
Giờ hoa rụng có ta chôn cất,
Chôn thân ta chưa biết bao giờ.
Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ,
Sau này ta chết, ai là người chôn?
Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn,
Cũng là khi khách hồng nhan về già
(Bản dịch của nhóm Vũ Bội Hoàng)
Hoa rơi rợp trời, trôi lênh đênh theo dòng nước là hình ảnh đẹp và
buồn man mác, chôn hoa là hành động của một tâm trạng chán chường trước
cuộc sống và tuyệt vọng về tình yêu con người. Chôn hoa cũng là chôn tài
năng của một giai nhân giỏi cầm kì thi họa, chôn một nhan sắc u buồn,
chôn một tâm hồn đa sầu đa cảm, đẹp dịu dàng nhưng mệnh bạc như vôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét