Nhân dịp nhà hàng xóm có đám tang, mình có vài suy nghĩ (vụn vặt) về việc hiếu hỉ giữa HP và SG.
Về đám Hỉ (Đám cưới)
Ở SG Đám cưới khá đơn giản và gọn nhẹ. Thường là đám hỏi và đám cưới làm chung 1 ngày và 2 họ đãi tiệc chung. Công thức chung cho nhiều đám cưới là buổi sáng ăn hỏi và xin dâu luôn, buổi tối thì kính thưa đoàn thể 2 họ ra nhà hàng ăn tiệc. Những đồ lễ trong mâm quả ở SG không cầu kỳ nên đội ngũ bê lễ không vất vả như ở HP (dân HP chuộng hình thức hơn, hehehe).
Ăn tiệc cưới ở SG có vấn nạn là giờ cao su nên thường cô dâu chú rể ghi rõ trên thiệp cưới là: Đón khách: 17h30 - Nhập tiệc: 19h30. Trước khi nhập tiệc có live show nho nhỏ như múa hát, Em-xi giới thiệu tứ thân phụ mẫu hai bên, rồi cô dâu chú rể từ từ tiến lên sân khấu trong ánh nến mờ ảo và có đoàn thiên thần hộ tống, rồi rót champagne, mời rượu cha mẹ, cắt bánh cưới. Kịch bản chung cho mọi đám cưới, hic, riết rồi ai cũng ngầm hiểu phải xong công đoạn ấy tất cả mới được zô zô và măm măm. Về khoản live show này thì dân SG chuộng hình thức hơn HP.
Khi ăn thì nhà hàng phục vụ từng món, hết món này tới món khác, thậm chí vài khách sạn sang trọng sau mỗi món được thay chén mới và luôn có phục vụ đứng tại bàn tiếp đồ ăn cho khách (thiếu điều bón cho thực khách ăn luôn – đôi khi mình thấy không thoải mái lắm). Một vài đám cưới thuê dàn nhạc đón khách, thường là 1 – 2 người kéo vĩ cầm chơi những bản ballad nhẹ nhàng tại sảnh đón khách.
Mình chưa được dự đám cưới nào ở HP (tính trong vòng gần 20 năm trở lại đây) nên chỉ ghi theo lời kể của má và vài người bạn. Ở HP thường đám hỏi và đám cưới là 2 ngày khác nhau. Những mâm lễ ăn hỏi ở HP hoành tráng cả về số lượng lẫn trọng lượng (khổ thân đội ngũ bê lễ, mướt mồ hôi chứ chả chơi). Ăn tiệc ở HP, thường đủ người xếp vào 1 mâm là ăn xong rồi về, không lo vấn đề giờ cao su như SG. Khách được mời trước khi “đánh chén” thường đưa “quà mừng” tận tay cô dâu hoặc chú rể (nếu mình là cô dâu trong trường hợp ấy mình cũng ngượng lắm í ). Nghe nói bây giờ cũng đỡ hơn vì có giỏ kết hoa cho mọi người “bỏ phiếu”, hihi, cách này các bạn SG làm lâu rồi.
Về đám Hiếu (đám tang)
Ở SG thấy đám tang nào có đàn cò, đàn nhị réo rắt thì 100% đó là đám tang của người Bắc.
Đám tang người SG chuộng dàn nhạc Tây hơn, như kiểu dàn nhạc sống ở các tụ điểm ca nhạc, có trống rộn ràng như múa lân, có kèn Tây hùng tráng như khi duyệt binh. Họ chơi và hát đủ thể loại. Từ “Ơn nghĩa sinh thành”, “Tình cha”, “Cát Bụi”, “Một cõi đi về” đến “Dừng bước giang hồ”, “Vì đó là em” hay “Oh, Susanna” (hôm nào Bông cũng xem bài này ở VCD bé Xuân Mai nên mình không thể nhầm được). Đám tang nào cũng phục vụ hạt dưa và bánh kẹo. Nhớ hồi Meomeo mới vào SG, Meomeo buồn cười mãi vì đám tang mà cắn hạt dưa như ngày Tết, hihihi… Đặc biệt đám tang ở SG rất ít tiếng khóc thương người quá cố nên đám tang bớt phần sầu thảm.
Thậm chí một vài đám tang còn mời một đội như kiểu Sơn Đông Mãi Võ về biểu diễn, chỉ thiếu điều không bán thuốc. Họ biểu diễn vài màn xiếc như múa Côn, múa võ, giữ thăng bằng đồ vật (nguyên chiếc xe đạp hay cái mặt bàn tròn bằng inox có đường kính 1.8m – 2m) bằng răng hoặc trên trán…. Bà con đứng vòng trong vòng ngoài hồi hộp theo dõi và đến đoạn cao trào thì vỗ tay rần rần và cho tiền. Mình không hề nói gian, mình mới xem xiếc (từ trên ban công nhà ngó xuống – mình không vỗ tay nhưng Bông thì có, hic) ở đám tang hàng xóm nhà mình hôm nay mà. Tiếng trống, tiếng kèn, phèng la rộn ràng 1 góc phố.
Mình nghĩ nếu mình tiếp tục sống ở SG, khi nào giã từ vũ khí mình cũng thích nghe “Dừng bước giang hồ” hay “Oh! Susanna” hơn đàn cò đàn nhị quá, hic hic, he he…….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét