Người học trò cũ than thở với tôi: “Con nít bây giờ tội nghiệp lắm cô. Tụi nó không có tuổi thơ.” Tuổi thơ mà em muốn nói là những cuộc rong chơi vô tư trên đồng rộng sông dài, đi bắt cua bắt còng, đá banh trên những ruộng lúa đã gặt mùa khô, bơi theo những giề lục bình trôi trên sông… Đó là tuổi thơ mà em đã may mắn có được ở quê nhà. Còn “con nít bây giờ” là những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố, sau cả ngày học ở trường, về nhà chỉ có ti vi và máy tính để làm bạn.
Đúng là con nít thành thị dễ gì có được tuổi thơ giữa thiên nhiên, có chăng là những kỳ nghỉ hè hay nghỉ cuối tuần được đưa về nông thôn, nếu may mắn có cha mẹ ý thức ảnh hưởng quan trọng của thiên nhiên đối với sự giáo dưỡng con người. Từ khi châu Âu bắt đầu cuộc cách mạng kỷ nghệ và văn minh đô thị phát triển, thì đã phát sinh nhu cầu giải thoát (dù nhất thời) con người khỏi máy móc và môi trường nhân tạo, để tìm về thiên nhiên nuôi dưỡng tâm hồn. Những nhà văn của thời đó để lại nhiều tác phẩm ca ngợi những ngày hè ở nông thôn, xác nhận dấu ấn thiên nhiên trong cuộc đời và tâm tình của họ.
Những đứa trẻ thành thị nhà nghèo không có được cả niềm an ủi thỉnh thoảng được hít thở không khí đồng quê. Tụi nó không biết một thế giới nào khác những lề đường bê tông mù mịt khói xe, hay những con hẻm nhỏ quanh co thường ngập nước cống. Đôi khi tôi thấy người giàu ở đô thị tỏ ra thương xót những đứa trẻ nhà quê ngơ ngác trong những lớp học xập xệ, hay lò dò trên cây cầu khỉ. Nông thôn của mình còn chưa được đầu tư cơ sở vật chất công ích, đời sống trẻ em nông thôn cũng bị nhiều thiệt thòi. Trẻ em nhà nghèo ở đâu cũng khiến cho người hiểu biết xót xa. Nhưng giữa đứa trẻ nghèo khó trong hẻm hay trên lề đường phố thị và trẻ con nghèo khó giữa đồng quê, khó nói đứa nào bất hạnh hơn.
Ở thành thị, thực ra trẻ con cũng có tuổi thơ. Trong phim “Slumdog Millionaire”, hai anh em Jamal thưở còn mẹ đã có một tuổi thơ vô tư, chơi đùa với bọn trẻ khu ổ chuột gần sân bay, vẫn có một khoảng trời rộng để hò hét chạy nhảy, dù bị những chiếc máy bay thường xuyên xé nát, và bị cảnh sát ví chạy có cờ. Chúng chỉ bị mất tuổi thơ khi mất mẹ, phải lăn lộn giữa đô thị tự tìm lấy cách sinh tồn. Trẻ em ở nông thôn có khi cũng phải đi kiếm miếng ăn: mò cua, bắt ốc, lượm củi, hay mót nông sản ngoài đồng. Một số ít trong bọn trẻ đó lớn lên và thành đạt ở đô thị , nhớ về tuổi thơ vất vả ở nông thôn mà tự hào và hạnh phúc. Phần đông sẽ trọn đời lam lũ ở nông thôn, và có lẽ niềm khao khát lớn nhất của họ là cho con mình lên thành phố để thoát khỏi số phận của chính họ.
Con nít ở thành thị có thuận lợi hơn, có nhiều cơ hội hơn để phát triển, hay con nít ở nông thôn may mắn hơn, hạnh phúc hơn vì được sống giữa thiên nhiên? Có lẽ không thể có đáp số chung cho từng hoàn cảnh khi nói tới số phận con người. Một đứa trẻ có thể được hưởng tất cả những điều tốt đẹp nhất mà cả thành thị lẫn nông thôn có thể dành cho nó, mà nó vẫn không hề trở thành kẻ xuất sắc hay biết là mình may mắn hạnh phúc. Môi trường đô thị hay nông thôn chỉ là môi trường để cho những nhân tố khác phát triển trong quá trình hình thành một con người. Sự thay đổi môi trường có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến quá trình đó.
Hồi còn ở quê ngoại tôi cũng chỉ là một đứa trẻ nhà nghèo, nhưng vô tư hạnh phúc. Ngày tôi rời làng quê tản cư lên thành phố, cơn sốc thay đổi môi trường sống còn dư chấn suốt nhiều năm sau này trong đời tôi. Gần mười năm liền sau đó tôi quen dần những con hẻm, nhưng nỗi khao khát cánh đồng và con suối không hề nguôi. Giữa thập niên sáu mươi ấy, Sài Gòn bắt đầu có truyền hình. Ban đầu tôi đi coi ké ở nhà giàu trong xóm. Cha tôi thương con, ráng dành dụm mua một cái. Và tôi phải nhìn nhận là cái truyền hình đen trắng ngày đó, dù không phong phú chương trình như bây giờ, đã là cánh cửa sổ mở ra thế giới cho những đứa nhỏ lớn lên trong hẻm như tôi.
“Con nít bây giờ” chỉ biết ti vi và máy tính, không biết mùi thực sự của bùn non hay lúa chín, cảm giác của da thịt tiếp xúc làn gió đồng hay làn nước suối, với người này cũng chẳng sao, với người khác là điều đáng tội nghiệp. Nếu may mà có chương trình ti vi tốt hay biết sử dụng máy tính để học hành, thì thực ra là may mắn. Thực đáng tội nghiệp là những đứa trẻ vùi đầu vào máy tính để chơi game. Không chỉ bọn trẻ thành thị, mà con nít bây giờ ở nông thôn cũng lún vào bãi lầy game, dù chung quanh chúng vẫn còn đồng rộng sông dài.
Lý Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét