Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Right Here waiting







Oceans apart day after day
And I slowly go insane
I hear your voice on the line
But it doesn't stop the pain

If I see you next to never
How can we say forever


Wherever you go
Whatever you do
I will be right here waiting for you
Whatever it takes
Or how my heart breaks
I will be right here waiting for you

I took for granted, all the times
That I thought would last somehow

I hear the laughter, I taste the tears
But I can't get near you now

Oh, can't you see it baby
You've got me goin' CrAzY

Wherever you go
Whatever you do
I will be right here waiting for you
Whatever it takes

Or how my heart breaks
I will be right here waiting for you

I wonder how we can survive
This romance
But in the end if I'm with you
I'll take the chance

Oh, can't you see it baby
You've got me goin' cRaZy


Wherever you go
Whatever you do
I will be right here waiting for you
Whatever it takes
Or how my heart breaks
I will be right here waiting for you



Từng ngày trôi qua, đại dương cách xa

Và anh dần chẳng còn sáng suốt nữa
Trong điện thoại anh nghe tiếng nói em
Nhưng nỗi muộn phiền chẳng thể nào xoa dịu.

Nếu như anh chẳng còn bao giờ được thấy em,
Thì làm sao chúng ta có thể thốt nên lời vĩnh cửu.

Cho dù em đi đâu, dù em làm gì đi nữa,
Anh sẽ vẫn mãi ở đây đợi em đó
Cho dù có mất bao nhiêu thời gian

Hay trái tim anh xiết bao tan nát
Anh cũng sẽ mãi ở đây chờ em.

Trong từng khoảnh khắc anh vẫn luôn cho rằng,
Những điều anh nghĩ suy sẽ kéo dài mãi mãi.
Anh nghe thấy tiếng em cười,
anh biết mùi vị những giọt lệ em rơi,
Nhưng giờ đây anh chẳng thể nào có em bên cạnh.

Chẳng lẽ nào em không hiểu được

Em đã khiến cho anh điên dại mất rồi.

Cho dù em đi đâu, dù em làm gì đi nữa,
Anh sẽ vẫn mãi ở đây đợi em đó
Cho dù có mất bao nhiêu thời gian
Hay trái tim anh xiết bao tan nát
Anh cũng sẽ mãi ở đây chờ em.

Anh tự hỏi mình làm cách nào chúng ta có thể,
giữ được phút giây tuyệt vời của mối tình hai ta

Nhưng cho đến lúc cuối cùng nếu anh được ở bên em
Anh sẽ giữ mãi cơ hội đó.

Chẳng lẽ nào em không hiểu được
Em đã khiến cho anh điên dại mất rồi.

Cho dù em đi đâu, dù em làm gì đi nữa,
Anh sẽ vẫn mãi ở đây đợi em đó
Cho dù có mất bao nhiêu thời gian
Hay trái tim anh xiết bao tan nát

Anh cũng sẽ mãi ở đây chờ em.



 

 T!!!
 daisy: em đã đổi nhạc chuông rồi
 Wherever you go
Whatever you do
I will be right here waiting for you


nhạc không lời
đừng bắt em đổi nữa nhé
em đã không thể chờ anh như lời bài hát
nên anh cũng đừng chờ em nữa
em chỉ cần biết rằng anh cũng đã từng yêu em dẫu có muộn màng em cũng hạnh phúc rồi
và trong một góc nhỏ của tim em, vẫn rung lên, vẫn nghẹn lại, mắt vẫn rưng rưng khi ngồi đây viết những dòng này gửi cho anh
anh lấy vợ đi, em xin anh đấy!!!!

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Buồn thăm thẳm

Dưới đây là cảm xúc của hai nhà báo tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn Biển Đông ngày 12 tháng 6 vừa rồi, đó là Mr. Do và Nguyễn Thông. Những cảm xúc  khi tận mắt nhìn thấy những gì diễn ra trong cuộc biểu tình. Rất dễ hiểu vì sao lại có những cảm xúc ấy, nhưng nói ra thật khó khăn.  Vẫn biết đối phó với Trung Quốc không hề đơn giản, để tránh một cuộc chiến tranh cần phải hết sức khéo léo và có phương pháp, nhưng những gì diễn ra trong ngày 12/6 ở Sài Gòn khiến nhiều người thật sự hoang mang…

  Dù không tham gia biểu tình, tui cũng có cảm xúc như họ : đắng cay ê chề và không hiểu nỗi vì sao.


ĐẮNG CAY


Mr. Do


Sáng nay không khí thật căng bọ ạ. Bọn em ém quân ở cà phê Highland và cà phê Đá ngay xung quanh trụ sở Thành Đoàn từ sớm.


 Toàn là những con người nhiệt tình yêu nước chứ đâu có tham gia tổ chức gì đâu. Chỉ là anh em truyền miệng, facebook… hú nhau đi thôi.


 Em đang ngồi ở quán Highland thì thấy hai người mặc thường phục đuổi theo thằng Thịnh (Mạc Quảng Thịnh – con của nhạc sĩ Đynh Trầm Ca). (Thằng Thịnh ngoài đời cũng là chỗ em biết. Chủ nhật trước biểu tình xong về mới nhậu với nhau, nói chuyện rất khí thế chứ đâu). Nó là một thằng rất được.


 Nó chạy vào giữa quán, giơ tay ra, nói em có làm gì đâu mà mấy anh bắt. Thằng Thịnh ý thức rất tốt nên nó không bao giờ nổi khùng khi bất cứ ai khiêu khích trong những sự kiện như thế này. Thế mà giữa quán, nó bị bắt và hai ông an ninh kẹp tay đi xuống phía đường Lê Duẩn.


 Lúc này, ở quán Highland dày đặc an ninh chìm và nửa chìm (tức mấy chú chìm mà để bộ đàm lên bàn ấy).


 Thấy vụ thằng Thịnh, em cay đắng quá. Tại sao người ta yêu nước mà lại bị chính quyền đe dọa như vậy?


 Nhưng chưa hết, sau đó thì bà con tập trung lại được một nhóm – khởi đầu là hai chàng thanh niên khoảng ngoài 20 và một chàng khoảng ngoài 30 mặc áo cờ tổ quốc và áo HS – TSa. Đó chính là những người châm ngòi cho cuộc biểu tình, giữa lúc mọi người đang lạnh sống lưng.


 Tiếp đó, công an tới mời ba chàng trai đi thì bà con đã kéo tới khá đông và bắt đầu là các màn tranh luận với công an. Bất chợt, một chàng trai hô to: “Hoàng Sa – Trường Sa”, ngay tức thì một anh mặc thường phục lao tới quất vào mặt người hô (anh ta cầm tờ báo cuộn tròn, dùng báo quất vào mặt – hình như là báo nhà em mới chết chứ!!!).


 Anh có thể tưởng tượng được không. Một người hô “Hoàng Sa – Trường Sa” mà bị một anh công an quất vào mặt.


 Không có gì bào chữa cho hành động này được.


 Còn dài lắm nhưng em oải quá, để xem viết được gì không


 Rút từ email Mr. Do gửi cho tui.


TRONG MẮT TÔi


(Trích)


Nguyễn Thông


Trưa nay tôi uể oải lầm lũi chạy xe về, khác hẳn với một tuần trước đầy phấn chấn. Nỗi buồn cứ quay quắt, ồn ào khiến mình mệt mỏi. Chả dám than trách bởi đã xác định trước rồi, đường đời lắm nỗi gian nan. Không thể viết ngay được, mà mình lại vốn chậm chạp, viết cũng chậm. Nhưng không thể không viết.


 Người xưa khi cần tăng tính thuyết phục cho điều gì đó thường quả quyết “mắt thấy tai nghe”. Những gì tôi biên ra đây là qua con mắt của tôi, còn bạn có tin hay không thì tùy.


 Điểm lại một chút: 6 giờ 30 sáng bà xã chưa dậy, tôi ghi vội mấy chữ để trên bàn rồi xách xe đi. Đi về có báo cáo tuy hơi mất tự do nhưng trong trường hợp này có cái hay của nó. Đến cơ quan gặp đồng nghiệp Mr.Do cũng vừa tới. Nó trẻ, nhanh hơn mình, bỏ xe máy lại, lủng lẳng chiếc máy ảnh ống kính dài, thoắt cái đã ngoắc xe ôm vù mất. Mình cũng kêu một chiếc, bảo bác tài nhẩn nha dọc đường để xem nhân tình thế thái. Sài Gòn vẫn ồn ã nhộn nhịp, chả ai biết sau những gương mặt kia là những suy nghĩ gì. Tới nhà hát thành phố, dòng đời thường vẫn như hôm qua hôm kia hoặc có thể ngày mai nên mình bảo bác tài quành về nhà thờ lớn. Kia rồi sự khác lạ. Người đông hơn, đứng đầy trên vỉa hè đường Hàn Thuyên, quảng trường Công xã Paris và vườn cây trước dinh Độc Lập, càng ngày càng đông. Và dù chỉ là tay mơ, mình rất dễ dàng nhận ra nhan nhản công an, an ninh chìm nổi, rồi đủ loại sắc phục dân phòng tự vệ làm xanh mặt nhân dân. Họ chả cần giấu diếm, oai vệ vác dùi cui, cứ vài ba anh lại có một anh tay cầm bộ đàm, lúc líu lo lúc thầm thì ngó trước ngó sau rất chi là bí mật. Thôi tí nữa mình sẽ kể kỹ hơn về mấy “đồng chí” này bởi họ là nhân vật chính của ghi chép hôm nay.


 Tới ngã ba Alecxandre de Rode- Phạm Ngọc Thạch nhìn sang quán cà phê tầng trệt Diamond còn gọi là cà phê Đá lối trông sang nhà văn hóa thanh niên thấy Mr.Do và bạn bè đứng đó tự bao giờ. Trò chuyện vài câu, gặp thêm bạn đồng nghiệp cũ Phạm Thương. Thương chỉ một anh chàng nhỏ con đẹp trai đeo chiếc máy ảnh bảo ông xã em đây. Mọi người vui vẻ nhưng dường như trong ánh mắt có điều gì lo toan. Mình hiểu. Mọi người theo tiếng gọi của trái tim, tình yêu đất nước mà tụ họp về đây nhưng nó cứ tự phát, tản mát thế nào ấy, không khéo lại chỉ là cuộc vi vu vô nghĩa. Kim phút kim giờ cứ nhích dần. Ai nấy sốt ruột mà chẳng dám nói ra, sợ làm nhụt chí kẻ khác. Mình tranh thủ đi tìm Duy Ngọc bởi hắn có khuôn mặt rất dễ nhận ra, vả lại lần trước mình thích mấy cái ảnh của hắn quá, hầu như các báo mạng kể cả trong ngoài nước đều dùng ảnh của hắn. 8 giờ hơn, đang đếm bước trên lề đường Phạm Ngọc Thạch thì có bước chân chạy rầm rập. Mình nép vào tường, một thanh niên cầm tấm biểu ngữ chỉ kịp đọc thoáng chữ China stop… chạy trước, dăm sáu anh lực lưỡng mặc thường phục đằng đằng sát khí bám sát. Lúc mình quay lại chỗ quán cà phê Đá thì Mr.Do bảo công an vừa bắt một người trong quán, là con trai nhà thơ Đynh Trầm Ca, mình chắc là cái cậu hồi nãy.


 Len qua trùng điệp lực lượng chức năng, tôi tới cổng nhà văn hóa thanh niên, nơi một tuần trước ông Ba Đua đã test các vị nhân sị trí thức. Lần này đến giờ vẫn chưa thấy ai, kể cả phe này phe kia. Trông sang trại Tàu, bức tường màu vàng nhơn nhơn thách thức. Chả biết đằng sau những ô cửa sổ khép hờ kia có ai, chúng nó đang làm gì nghĩ gì. Công an đủ sắc phục kín đặc như bức thành lũy thép kiên cố bảo vệ trại Tàu, cần chi mấy chiếc hàng rào sắt. Chỗ này có lẽ là điểm nóng nhất nên anh nào cũng dùi cui hoặc máy bộ đàm. Để ý thấy mấy anh cảnh sát trật tự thì dùi cui, còn anh an ninh thì bộ đàm. Cầm máy đàm oai hơn nên rất ra vẻ ta đây, lộ liễu. Số công khai còn đông đặc như thế thì số chìm biết đường nào mà lần. Tôi có cảm giác hai anh mặc thường phục đứng gần hai bên tôi đều là dạng này, thỉnh thoảng liếc tôi rất khó hiểu rồi một anh biến mất. Linh cảm không sai. 5 phút sau một anh an ninh có vẻ gộc đến thân tình vỗ vai hỏi nhỏ anh ở bộ phận nào, tôi bảo gì cơ, lại hỏi như cũ, bèn đáp rằng tôi ở bộ phận nhân dân. Cái mặt thoắt lạnh tanh, đề nghị anh đi, đây không phải chỗ của anh. Mình bảo tôi chẳng thèm, nhân dân chúng tôi làm gì có chỗ trên cái nước này, anh nhìn xem, toàn người của anh đó thôi. Anh ta đuổi được mình xong liền đưa cái bộ đàm lên mồm lèo nhèo điều gì không rõ rồi ra đuổi tiếp một bác cứng tuổi phía sau.


Tôi trở lại chỗ cà phê Đá đứng chờ, lòng cứ không thể hiểu nổi tại sao…Những con người khuôn mặt trong sáng kia, với cờ Tổ quốc quấn quanh mình, biểu ngữ đòi Hoàng Sa-Trường Sa cho Việt Nam trên tay, có sự mờ ám, âm mưu, côn đồ, phản động gì không mà siết người ta đến thế. Không có dân – những con người ấy, mai này nếu bọn Tàu gây chiến các anh có dám kêu họ cùng đi?


 Có chút lý do cá nhân, khoảng 8h30 tôi bắt xe ôm về cơ quan. Anh xe ôm ngự trên đường Đồng Khởi chẳng thèm biết tôi là ai, chửi đù mẹ nó cứ thế này thì dân chịu sao nổi. Tôi hỏi anh chửi bọn TQ hay chửi ai, anh bảo chửi tuốt. Tôi nói lát nữa tôi ra xem người ta biểu tình anh có đi với tôi không, anh gằn giọng đi xem thì đừng rủ tôi đi. Trả thêm chút tiền cho bác tài thẳng thắn.


 9h, nhận được thông tin qua mạng từ Phạm Thương “đã bắt đầu”. Phải công nhận Thương nhanh nhẹn thật, up lên liên tục. Nhỏ người, trông yếu đuối, vậy mà sức lực đâu giúp Thương bám theo suốt mọi chặng đường, cứ dăm phút lại có tin mới. Hồi Thương mới về cơ quan tôi, cùng lúc hai cô trong đó có Thương, tôi rất quý Thương về sự thẳng thắn, đâu ra đấy, không nịnh bợ. Có lần tôi nói với đạo diễn Lê Phong Lan điều này, chị Lan cũng đồng ý như vậy.


 Tôi vội vàng lấy xe quay trở lại. Đoàn người mỗi lúc đông thêm nhưng bị công an khéo léo chia cắt thành từng nhóm. Tuy vậy còn hơn không bởi trước đó đến tận 8h30, được sự trợ giúp của cả một bộ máy khổng lồ, tòa lãnh sự Tàu vững như bàn thạch. Thiếu những người đi đầu như cụ Nguyễn Đình Đầu, ông Lê Hiếu Đằng, Hồ Cương Quyết… nên sức mạnh quần chúng vẫn chỉ là sức mạnh tiềm ẩn. Giờ thì đã có lá cờ đỏ sao vàng do một bạn trẻ phất lên, nhiều người đồng loạt đứng dậy rời ghế quán cà phê, ra khỏi vỉa hè để nhập vào. Ôi các bạn trẻ, lần này hầu hết là học sinh sinh viên, nhiều bạn ăn mặc rất giản dị, thậm chí áo quần cũ kỹ nhưng trông họ thật đáng mến, đáng khâm phục. Họ kéo một tốp khoảng hơn trăm người ra lề đường Lê Duẩn vừa phất cờ, giương cao khẩu hiệu vừa hô “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”…, từng nhóm công an chìm nổi lẽo đẽo theo sau. Người đi đường dừng lại xem như xem một sự lạ, không ai có vẻ muốn gia nhập với họ. Ôi nhân dân. Tôi nhìn các bạn trẻ mà trào nước mắt.


 N. TH


 8:22 pm, 12.6.2011


Rút từ blog Facebook của Nguyễn Thông


TRÊN BÀN NHẬU HÔM NAY/13/06/2011


TỐI


+Tướng Thước: “Thời đại này không phải muốn làm gì thì làm” (GDVN): “Con đường của chúng ta là dùng sức mạnh tổng hợp của Việt Nam cùng với những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới bảo vệ Việt Nam để đập tan âm mưu, ý đồ xấu xa của Trung Quốc” – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh.


+ Cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam(CAND): Đại tá Nguyễn Huy Toàn (Nhà nghiên cứu tư tưởng văn hóa quân sự): Cách đây hơn 3 thế kỷ, ông cha ta đã xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, những việc đó được ghi trong cả sách của ta, của quốc tế và ngay cả của Trung Quốc. Ông cha chúng ta cũng đã biết cắm mốc, đo đạc, vẽ bản đồ và hàng năm cử người ra để kiểm tra và thu hồi sản vật trên vùng đất mà nước mình quản lý.


+Những cột mốc trên biển Đông (Dân Việt) :Ngoài những hành động gây hấn đối với các tàu chuyên dụng của Tập đoàn Dầu khí VN, hàng loạt tàu cá của ngư dân Trung Quốc lẫn những “tàu lạ” (không biển số, có vũ trang) tràn vào tận vùng lãnh hải của bờ biển miền Trung VN. Tàu lạ tấn công, cướp bóc của cải của ngư dân trắng trợn trên vùng biển quê nhà.


+ASEAN ‘ngại bị xem là thông đồng’ trước TQ (BBC)


Nếu Asian lục đục, TQ sẽ tấn tới, nguy.


+’Nếu dùng hải quân, Việt Nam sẽ mắc mưu Trung Quốc’ (VnExpress): “Trong quan hệ Việt – Trung cần nhớ một điều cốt tử: Khi Việt Nam lùi thì Trung Quốc tiến, khi chúng ta đứng vững thì họ không làm gì được”, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an nhận xét.


+Lại đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược (BVN)


+Mỹ không chấp nhận vũ lực ở biển Đông (Luật pháp tp HCM): Đài Loan đang chuẩn bị kế hoạch triển khai tàu chiến trang bị tên lửa và xe tăng đến quần đảo Trường Sa.


+Nhiều nước đang xa lánh Trung Quốc (Tầm nhìn): Báo chí Trung Quốc có phản ứng khác nhau về những diễn biến gần đây ở Biển Đông: từ dọa dẫm đến thừa nhận việc nhiều nước đang xa lánh Trung Quốc.


+Liên đoàn luật sư Việt Nam công bố phản đối TQ (VTC New): Liên đoàn luật sư Việt Nam tuyên bố phản đối Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


Tưởng ls thì giúp Chính phủ kiện ra LhQ, chứ cứ đứng nói khơi khơi nhằm nhò gì.


+Kiên trì thực hiện các dự án khảo sát thăm dò dầu khí (Petro times): Trước tình hình diễn biến phức tạp và căng thẳng trên các vùng biển Việt Nam, chủ trương của Petrovietnam là quyết tâm thực hiện các dự án tìm kiếm thăm dò theo kế hoạch, thực hiện tốt nhiệm vụ được Nhà nước giao cho, tìm kiếm nguồn tài nguyên của đất nước…


+”Khoan hãy bàn đến việc tiêu tiền” (VNN):  Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên bộ trưởng GD%ĐT  đã trao đổi xung quanh  vấn đề cải cách giáo dục.


+Số hồ sơ “khổng lồ” chờ xét danh hiệu nghệ sĩ  (TTVH) Chiều 9/6, Bộ VH,TT&DL có cuộc họp bàn về việc phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước năm 2011. 890 hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (18 hồ sơ), Giải thưởng Nhà nước (268), danh hiệu NSND (138), danh hiệu NSƯT (466) sắp sửa được Bộ trình Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Nước xem xét phong tặng vào dịp 2/9 tới. So với 6 kỳ phong tặng trước, đây là con số “khổng lồ”. Liệu ai sẽ nhận được những danh hiệu vinh dự này?


Kinh hồn! Mới biết vì sao nghệ thuật nước nhà không khá lên được.


+Bộ Giáo dục lên tiếng về đề án 70.000 tỷ đồng (VNMedia): Lý do Bộ xây dựng Đề án vì “đã đến lúc phải đổi mới căn bản và toàn diện chương trình giáo dục phổ thông, không chỉ để khắc phục những thiếu sót của chương trình hiện hành, mà phải từng bước khai thác, lựa chọn, vận dụng kinh nghiệm quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm đáp ứng “nhu cầu phát triển của xã hội” trong giai đoạn mới”


Phải nói hay  rứa thì Chính phủ mới chi tiền chớ. Nhưng xưa nay Bộ vẫn nổi tiếng là nói hay cày dở, ai mà không biết




 

thư ngỏ của ông Lê Hiếu Đằng...

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam


Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


TP.HCM ngày 12 tháng 6 năm 2011,


Kính gửi: Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam


Thưa ông,


Tôi là LÊ HIẾU ĐẰNG, nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Sinh viên Sài Gòn nhiệm kỳ 1966-1967, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ, là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong 20 năm (từ 1989-2009), là đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa IV và khóa V. Sở dĩ tôi giới thiệu hơi dài dòng với ông như vậy để ông thấy rằng là lá thư này gởi ông không phải là của một kẻ xấu, càng không phải là của một kẻ phản động như bộ máy tuyên truyền thường hay hô hoán, mà là của một người có đầy đủ tư cách để viết lá thư này cho ông.


Thưa ông,


Đã một tuần qua sau cuộc biểu tình tuần hành của nhân dân Hà Nội, nhân dân Sài Gòn – TP. HCM lên án hành động hiếu chiến, ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc tại vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế, bôi bẩn và xé toang mười sáu chữ vàng mà lãnh đạo hai nước thường xuyên nhắc đến. Tôi đợi một tuần qua để cơn giận dữ, lòng phẫn nộ và khinh miệt của tôi lắng xuống để ngồi bình tĩnh viết thư này cho ông để kịch liệt lên án và phê phán cách thức và nội dung đưa tin sai sự thật hoặc nói cách khác tránh né sự thật một cách trắng trợn của TTXVN về các cuộc biểu tình tuần hành của nhân dân TP Hà Nội và nhân dân TP Sài Gòn – Hồ Chí Minh, mà xét đến cùng là trách nhiệm của ông với tư cách người lãnh đạo cao nhất của bộ máy thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước hiện nay. Hơn nữa, ông còn là chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chắc hẳn ông hiểu rõ thiên chức (tôi không dùng chữ chức năng) của nhà báo là phải thông tin trung thực, chính xác và khách quan về các sự kiện đã xảy ra, thực hiện quyền được thông tin chính đáng, một quyền cơ bản của người dân. Tôi không hiểu các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam suy nghĩ như thế nào về việc làm này của ông chủ tịch của họ? TTXVN thông tin rằng chỉ có những cuộc “tụ tập” của “một số ít người” trong sáng ngày 05-6 ở Hà Nội và Sài Gòn – TP.HCM, vậy thì tôi xin mời ông, các vị lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông, TTXVN hãy xem các hình ảnh chụp được, các đoạn video clip trên các trang mạng (chắc hẳn các ông đều có phương tiện và khả năng sử dụng được) và nhất là vào hỏi nhân dân đang cư ngụ ở chung quanh tòa lãnh sự Trung Quốc, trước nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất (Dinh Độc Lập cũ) và các đường Đồng Khởi, Lê Lợi, chợ Bến Thành, v.v. xem đó chỉ là cuộc tụ tập của một số ít người hay biểu tình tuần hành của đông đảo quần chúng? Hoặc có thể hỏi lực lượng công an, cảnh sát chìm nổi phải mướt mồ hôi mà vẫn không cản được làn sóng người như nước vỡ bờ sáng hôm ấy. Cái tai hại nhất là việc thông tin sai sự thật trắng trợn của TTXVN, biến các cuộc biểu tình tuần hành thật sự trở thành chỉ là những cuộc tụ tập đông người, đã làm cho nhân dân trong nước, nhất là ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn – TP.HCM cũng như dư luận nước ngoài càng tin rằng những thông tin chính thức từ TTXVN, cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước, đều là nói láo, đổi trắng thay đen. Nói như cách khá tế nhị tuy đầy tính phê phán của GS Ngô Bảo Châu về việc xử án TS Cù Huy Hà Vũ: “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này”. Trong vụ việc thông tin sai sự thật này, “mấy ông bà này” là ai ông cũng hiểu rồi. Nếu không phải là ông trực tiếp chỉ đạo việc này thì với vai trò lãnh đạo cao nhất của công tác thông tin – truyền thông của Đảng-Nhà nước, dù sao ông cũng phải chịu trách nhiệm.


Tôi cho rằng việc làm này là phá hoại uy tín, thanh danh của Đảng và Nhà nước nghiêm trọng nên tôi đề nghị cần có sự kiểm điểm nghiêm túc để về sau không còn những sự việc đáng tiếc, đáng xấu hổ này xảy ra nữa. Ông thấy không, dù các ông cố làm giảm nhẹ qui mô, mức độ các cuộc tuần hành biểu tình để làm yên lòng Trung Quốc nhưng họ có thèm để tâm đến đâu. Việc tàu thăm dò dầu khí Viking II bị tấn công càng chứng minh thái độ hung hãn, bất chấp dư luận của Trung Quốc trong việc xâm phạm vùng biển Việt Nam.


Tôi hy vọng ông có đủ lương tâm và trí tuệ để chỉ đạo Thông tấn xã Việt Nam không lặp lại sai lầm cũ khi đưa tin về cuộc biểu tình sáng hôm nay, 12/6/2011, của nhân dân Hà Nội và Sài Gòn – TP. HCM, phản đối Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa, lên án việc Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Việt Nam, đe doạ ngư dân Việt, phá hoại cáp thăm dò địa chấn của các tàu Bình Minh 2 và Viking 2.


Dù sao tôi cũng ghi nhận mặt tích cực của bản tin TTX là đã xác nhận đây là một hành động biểu thị lòng yêu nước, trong hòa bình và trật tự của nhân dân TP Hà Nội và Sài Gòn – TP.HCM.


Do quá bức xúc nên lời lẽ trong thư này có thể làm ông và một số vị lãnh đạo khác không hài lòng, mong ông và các vị thứ lỗi và thông cảm cho.


Trân trọng,


Lê Hiếu Đằng

Thơ Đỗ Trung Quân

Trò chuyện với người (hoặc là) anh em (hoặc không)


Tôi


Gã đàn ông gần sáu mươi tuổi.


Đi qua cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử đất nước.


Tưởng mình thoát được chiến tranh


Vẫn phải đập nhau một trận ra trò với thằng diệt chủng.


Chuyện cũ rồi


Không chết thì về


Về thì làm thơ trời – trăng – mây -  gió…


Thơ trẻ con – thơ tình – thơ ấm ớ.


Như mọi nhà thơ mây gió của xứ sở này,


Hôm nay


Tôi tọt xuống đường biểu tình , tuần hành ở tuổi vị thành…mây


Đi cùng thanh niên mà thấy mình phát chán.


Hét thì hết hơi


Đi tuần hành thì nhức đầu gối.


Thôi thì


Ai có sức dùng sức


Ai có hơi dùng hơi


Hết hơi hết sức thì lết đi trong im lặng.


Tại sao tôi đi ?


Đơn giản rằng phụ nữ còn đi


Bà bán cá còn đi


Anh sinh viên còn đi


Cô thiếu nữ còn đi


Để Thị uy


Với bọn cướp nước


Bọn ngoại xâm


Bọn giả nhân


Và cả với đứa nào rắp ranh bán nước.


Các anh an ninh này


Ta biết thừa chuyện ai nấy làm.


Nhưng gì thì gì đừng đánh đồng bào mình


Đừng bẻ tay , vặn cổ đồng bào mình


Hãy vặn cổ bẻ tay bọn xâm lược.


Thuế đồng bào nuôi các anh bấy nay


Làm thế coi không được.


Nay mai kẻ cướp vào tận nhà.


Nó trói cổ cả anh lẫn tôi


Tù nhân một giuộc


Nói thế thôi chứ dân mình yêu nước.


Phụ nữ đánh tới cái lai quần


Nói chi dân


Cởi truồng cũng giữ nước.


Tôi thấy anh trấn áp dân mình


Coi không được.


(Sưu tầm)

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

XE VỚI PHÁO

Trời SG mấy hôm nay như cuối thu đầu đông, lạnh lạnh buồn hiu hiu, dán vài cái hình xe màu mè cho vui cửa vui nhà.



Mình sở hữu 2 em Rolls Royce này thì khỏi cần đi làm cho mệt





nội thất của em Bentley









Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

GIEO HẠT DỌC ĐƯỜNG ĐI

Chào các bạn,


Đời là một chuyến đi không biết điểm đến. Rất ít ai đến được điểm mình dự định. Thông thường ta bắt đầu cuộc hành trình với một ‎‎ý niệm đích điểm trong đầu, chỉ để nhận ra rất sớm là cuộc đời có rất nhiều chỗ rẽ bất ngờ, và sau một lúc thì ta chẳng chắc là đời ta rồi sẽ về đâu. Nhưng như vậy thì đời mới vui. Đọc truyện mà biết được đoạn cuối ngay từ khi khởi đầu thì cụt hứng rồi. Nhưng như vậy có nghĩa là đường đời không phải là đường thẳng, mà là đường quanh co ngoằn nghèo, cứ như đường rừng. Đôi khi đi cả chục cây số rồi mới khám phá ra là mình chỉ lại đến ngay điểm khởi hành.

planting-seeds

Đường đời thật là thế. Nếu quan sát trẻ em và người già thì ta thấy rất giống nhau—cả hai cùng rất yếu về thể xác và cùng nhiều tình cảm hơn ly’ luận. Và ta bắt đầu từ bụi đất, sẽ trở về cùng bụi đất. Điểm cuối cũng là điểm khởi hành.


Khái niệm đường vòng này rất ích lợi trong kế hoạch sống của chúng ta. Nếu ta biết đời không phải là đường thẳng và ta có thể vòng lại điểm đã qua, thì tốt hơn là trên mỗi bước đi, ta nên ném ra vài hạt trái cây ngũ cốc bên đường, hy vọng là dọc đường sẽ mọc nhiều cây trái, để lúc nào đó ta vòng lại thì có thể đã có sẵn trái ngon chờ đợi! Đi đến đâu gieo hạt giống đến đó, tức là sống hôm nay mà trồng cho ngày mai đó, các bạn ạ.


Dĩ nhiên là không phải hạt nào cũng lên cây tốt. Nhiều hạt sẽ bị chim ăn, nhiều hạt sẽ chết đi, nhưng sẽ có một ít hạt nầy mầm sinh cây. Và những cây này, biết đâu lại sinh hoa trái và chim chóc sẽ mang hạt của chúng gieo rắc hàng bao nhiêu dặm xa khắp nơi. Cuộc đời biến hóa vô lường, làm sao ta có thể đoán hết hậu quả của chỉ một hạt nẩy mầm, huống chi là khi ta gieo nhiều hạt mỗi ngày.


Cho nên nếu sống khôn ngoan, thì ta gieo hạt trên mỗi bước đi.


Nhưng các hạt đó là những gì?


Thưa, chúng ta có thể chia các hạt ta có sẵn trong túi ra thành vài nhóm.


1. Những nụ cười, những lời cảm ơn, và những lời nói hiền dịu.


2. Tiền tài: Nếu có thể cho ai một tí tiền, thì cho. Nếu có thể cho ai mượn một tí tiền, thì cho mượn. Nếu có thể giúp ai đở đói một ngày, thì giúp.


3. Công việc: Nếu có thể mách bảo ai một cơ hội làm ăn thì mách bảo. Nếu có thể chỉ ai có một được một công việc thì chỉ. Nếu có thể dạy ai một cách kiếm tiền thì dạy.


4. Kiến thức: Nếu có thể dạy ai đó biết đọc, biết làm toán, thì dạy. Nếu có tài năng gì đó có thể chia sẻ lại với mọi người thì chia sẻ. Nếu có kỹ năng sống nào đó có thể dạy lại cho mọi người thì dạy.

apple_tree

5. Đạo đức và triết l‎y’ sống: Nếu ta đã có kinh nghiệm sống biết thế nào là đạo đức, thế nào là thiếu đạo đức, thế nào là tốt cho cuộc sống, thế nào là có hại, con đường nào sẽ đưa đến khổ đau, con đường nào sẽ đưa đến an lạc, thì hãy chia sẻ lại với anh chị em, nhất là những người ít kinh nghiệm sống hơn.


6. Cách tự sống vững trên hai chân: Có lẽ điều tốt nhất ta có thể trao tặng một người là kiến thức và kinh nghiệm giúp cho người đó có thể tự sống, tự xoay sở, dù là họ có lọt vào bất kỳ tình huống khó khăn nào. Đây là giúp cho họ kỹ năng sống cũng như tự tin để sống mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Phần cốt cán của nó là tư duy tích cực.


Tất cả những điều này mỗi chúng ta đều đã có sẵn trong túi không ít thì nhiều. Chẳng tốn kém tiền bạc hay công lao chỉ để lấy ra vài hạt trong túi ném ra bên lề đường mình đang đi.


Và tất cả các hạt này đều chỉ nằm trong một gia đình thực vật lớn, gọi là “tình yêu.”


Nếu mỗi người chúng ta đều gieo hạt dọc đường thì sẽ có hai chuyện xảy ra. Thứ nhất, riêng cá nhân ta, một lúc nào đó ta sẽ hưởng được trái ngọt của hạt giống ta gieo hôm nay. Bắt buộc là như vậy. Càng gieo nhiều và càng sống lâu, xác suất được hưởng của ta càng tăng rất cao. Thứ hai, khi nhiều người gieo dọc đường, thì ai đi đâu, dọc đường nào, cũng đều có trái ngon chờ mình trên cây.


Chúc các bạn một ngày vui. Hạt nào bạn gieo hôm nay?


Mến,


Hoành

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Giữa hai chiều quên nhớ

Chưa đủ nhớ để gọi là yêu,
Chưa đủ quên để thành xa lạ,
Anh ám ảnh em giữa hai chiều nghiệt ngã,
Nghiêng bên này lại chống chếnh bên kia.

Ngôi sao nào thổn thức giữa trời khuya?
Dịu dàng quá lời thì thầm của gió,
Ngủ ngoan thôi, ngọn cỏ mềm bé nhỏ
Biết đâu chừng thiên sứ đứng vây quanh?

Trái tim đa mang chở tình yêu chòng chành,
Quên với nhớ lắc lư nhịp sóng,
Anh là gì giữa bốn bề vang vọng?
Em nghẹn lòng khi thốt gọi thành tên…

bác P

Bạn  thân mến,

Hôm qua tớ đi thăm bác P. CFS bạn ạ. Bạn có nhớ bác ấy không, bác ấy đang bị lao  (là bác ấy nói với mọi người thế) còn tớ nghĩ trong suy nghĩ của nhiều người có lẽ bác bị K rồi.  Bác ấy gầy lắm, còn khoảng 45 cân thôi. Bác ngồi trông nhỏ thó và mệt mỏi, nói chuyện với mọi người cũng là cả một cố gắng lớn, giọng phều phào tớ nghe câu được câu chăng. Bác kể bác uống 3 lần thuốc 1 ngày, mỗi làn 1 chục viên, đến nỗi đến giờ uống thuốc, nhìn thấy thuốc là bác nổi nóng. Uống nhiều kháng sinh liều cao rất mệt và nóng, nó bào dạ dày của bác, mà bác lại chả ăn được. Cả ngày bác chỉ ăn tí cháo loãng và uống ensure mà cũng chẳng được nhiều vì ăn vào là nhợn ói, đến uống nước lọc cũng không uống được nhiều. Tớ băn khoăn tự hỏi liệu có phép màu nào giúp bác khỏi bệnh và quay lại V làm không nhỉ? Khó lắm bạn ạ, nếu bác vẫn không ăn được. Thực phẩm sẽ giúp con người duy trì sự sống, nếu bác cứ không ăn được thế này thì bác giống ngọn đèn dầu, đèn cứ cháy mà dầu không được châm vào thêm, từ từ dầu sẽ hết và ngọn lửa sẽ tắt. Tớ thăm bác xong mà lòng buồn vô hạn, biết rằng SINH - LÃO - BỆNH - TỬ là quy luật muôn đời mà lòng không khỏi ngậm ngùi. Rồi tớ nhớ đến câu thơ mà tớ đọc được ở đâu đó " Cuộc đời ngắn tựa gang tay. Ngọt ngào không hết đắng cay làm gì". Đúng quá bạn nhỉ, cuộc đời ngắn lắm, tại sao mình cứ đắng cay với mình, đắng cay với người dù là tại mình hay tại người thì cũng chẳng nên đắng cay, đắng đót...